ESG không còn là sự lựa chọn “có thể làm hoặc không” mà sẽ trở thành điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục tồn tại và tìm kiếm cơ hội phát triển.
>>ESG - chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và thương hiệu
Bà Nguyễn Vân An, Giám đốc Chiến lược, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) chia sẻ với DĐDN về vai trò của ESG đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
- Bà đánh giá như thế nào về vai trò của ESG đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
ESG là cụm từ viết tắt của "Environmental" (Môi trường), “Social” (Xã hội), và “Governance” (Quản trị doanh nghiệp). Đây là khung đánh giá để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
ESG không còn là sự lựa chọn “có thể làm hoặc không” mà sẽ trở thành điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục tồn tại và tìm kiếm cơ hội phát triển, bao gồm cả những doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nội địa.
Điển hình, như cam kết Net Zero 2050 của Việt Nam ở COP26, để thực hiện cam kết này đòi hỏi sự đồng lòng của cả quốc gia, vì các cam kết sẽ được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính tuân thủ.
Do vậy, nếu áp dụng việc chuyển đổi xanh càng sớm khi mô hình vận hành còn chưa quá phức tạp, thì chi phí chuyển đổi sẽ thấp, trong khi khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu lại cao.
- Để áp dụng thực hành ESG, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng để phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Để có thể tích hợp mô hình ESG vào hoạt động của doanh nghiệp, chúng ta cần bắt đầu từ định hướng và chiến lược. Nếu xây dựng được tính xuyên suốt ngay từ đầu để thực hiện thì có thể rút ngắn thời gian và tăng tính đồng bộ.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ điều kiện để thực hiện đồng bộ thì có thể ưu tiên nguồn lực cho những hoạt động ESG phù hợp với khả năng thực hiện hiện tại, đồng thời đáp ứng yêu cầu tuân thủ tối thiểu của nhà nước, đối tác và các bên liên quan.
Doanh nghiệp nên chọn những hoạt động cốt lõi nhất để vừa giúp tăng cường ESG, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa chi phí vận hành.
Là doanh nghiệp chuyên thu hồi và chế biến phụ phẩm tôm, ngay từ khi thành lập, công ty CP Việt Nam Food (VNF) đã tập trung giải quyết vấn đề môi trường cho ngành tôm (chữ E trong ESG). Sau đó chúng tôi dần tích hợp thêm S (xã hội) và G (quản trị doanh nghiệp) trong xuyên suốt hoạt động.
Nếu đưa ESG xuyên suốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho toàn bộ nhân viên, khi đó việc thực hành ESG sẽ diễn ra mọi lúc mọi nơi, mà không còn là một sự “cưỡng ép” phải thực hiện.
>>Thực hiện ESG nâng cao vị thế doanh nghiệp
>>ESG giúp doanh nghiệp “biến gánh nặng” môi trường thành tài sản
- Là 1 trong top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng Sáng kiến ESG Việt Nam 2023. Vậy, Giải thưởng này sẽ tạo ra “cú hích” như thế nào đến doanh nghiệp, thưa bà?
Hành trình tham gia chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 đã giúp chúng tôi trang bị những kiến thức hữu ích và tự tin hơn trên hành trình chuyển đổi xanh của mình.
Thông qua các chương trình đào tạo, như nâng cao năng lực doanh nghiệp để thích ứng với yêu cầu chuyển đổi xanh, giảm phát thải và thực hành kiểm kê khí nhà kính, xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững với bản cập nhật Tiêu chuẩn sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, chúng tôi đã có những định hướng & kế hoạch thực hiện ESG phù hợp hơn.
Cụ thể, VNF đặt mục tiêu thực hiện Báo cáo ESG định kỳ hàng năm (trước đây các mục tiêu ESG chỉ nằm trong định hướng chứ chưa được thống kê và biên bản hóa).
Ngoài ra, chúng tôi cũng vận hành hiệu quả và bền vững hơn theo các mục tiêu E-S-G và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường quốc tế theo hướng ‘xanh hơn – bền vững hơn’. Từ đó, hình ảnh và uy tín doanh nghiệp cũng được nâng cao và tiếp cận được nhiều đối tác, khách hàng hơn.
- Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam đối với việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thực hành ESG nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung?
Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam như bước đệm ban đầu để các doanh nghiệp tham gia hiểu thêm hơn về bản chất của việc áp dụng thực hành ESG và phần nào giúp doanh nghiệp thực hiện một vài hoạt động ESG tiêu biểu.
Sau khi tham gia chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam, VNF vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động ESG đã đăng ký cũng như tiếp tục triển khai thêm các hoạt động ESG khác để ngày càng hoàn thiện mô hình ESG của doanh nghiệp.
Như vậy, Sáng kiến ESG Việt Nam rất có ý nghĩa, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi chương trình sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng, trang bị kiến thức và xác định được lộ trình áp dụng thực hành ESG cho doanh nghiệp để từ đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới của thị trường, nhất là thị trường toàn cầu.
- Bà có đề xuất, kiến nghị gì từ chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam đối với doanh nghiệp của mình?
Chúng tôi mong muốn được kết nối với các tổ chức, mạng lưới hỗ trợ tài chính hoặc đề cử, bảo trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Mục đích để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để triển khai thêm các sáng kiến áp dụng thực hành ESG, kinh doanh bền vững.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình đào tạo về các xu hướng thực hành ESG mới trên thế giới ví dụ như giảm phát thải, đo dấu chân carbon, nhãn eco...
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
03:20, 16/03/2024
14:09, 14/03/2024
14:04, 14/03/2024