ESG giúp doanh nghiệp “biến gánh nặng” môi trường thành tài sản

NGUYỄN VIỆT 07/03/2024 02:30

ESG đã được đưa vào chiến lược chủ đạo của Công ty CP Việt Nam Food (VNF) ngay từ những ngày đầu để "biến gánh nặng" môi trường thành tài sản.

>>Chỉ 7 doanh nghiệp niêm yết trong rổ VN100 có báo cáo đầy đủ về ESG

Bà Nguyễn Vân An, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Việt Nam Food (VNF) chia sẻ với DĐDN về chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023.

Phụ phẩm đầu, vỏ tôm được xem là

Phụ phẩm đầu, vỏ tôm được xem là "mỏ vàng" đem lại nhiều giá trị kinh tế cao.

Bà Nguyễn Vân An cho biết, bằng cách ứng dụng những công nghệ sinh học thân thiện với môi trường VNF đã tạo ra những nguyên liệu có hoạt tính cao, đa ứng dụng để phục vụ cho cộng đồng. Cụ thể, VNF được thành lập với mục đích giải quyết vấn đề chất thải của ngành tôm tập trung vào chữ E (môi trường).

Tuy nhiên, VNF không đi theo con đường như các doanh nghiệp đương thời, đó là sử dụng nhiều hóa chất và chỉ tập trung khai thác phần chất thải mang lại giá trị tức thời và xả bỏ ra môi trường các phần còn lại.

“VNF lựa chọn áp dụng mô hình xử lý thân thiện môi trường ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất thải”, bà Nguyễn Vân An khẳng định.

Với tiêu chí trên, VNF tập trung mọi nguồn nhân lực và tài lực dành cho việc nghiên cứu chiết xuất các dưỡng chất (tài nguyên) có sẵn trong phụ phẩm và phát triển thành nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ chủ yếu cho ngành nông nghiệp – đưa những chế phẩm sinh học vào trồng trọt và chăn nuôi để giảm thiểu việc lạm dụng các hóa chất có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người tập trung vào chữ S (xã hội).

Công ty Cổ phần Việt Nam Food, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty Cổ phần HHP GLOBAL là 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc trong chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023.

Lý do VNF muốn tập trung vào ngành nông nghiệp, vì đây là ngành kinh tế trọng điểm, không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới nhưng lại đang có nhiều vấn đề về phát triển bền vững, cần có những giải pháp phù hợp – và những giải pháp của VNF chính là một trong những giải pháp tiềm năng.

Ngoài ra, phụ phẩm là ngành còn rất non trẻ, thậm chí trên phạm vi toàn cầu cũng chưa có mô hình kiểu mẫu. Vì vậy, VNF luôn chú trọng vấn đề nhân sự (thông qua các hoạt động đào tạo và gắn kết cán bộ nhân viên hàng năm) và quản trị (thông qua xây dựng mô hình vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế và được cấp các chứng chỉ chất lượng) – tập trung chữ G (quản trị doanh nghiệp).

Còn theo bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HHP Global, với mong muốn xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp xanh, HHP Global đã tham gia chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 như một cơ hội để được thử nghiệm.

“Chúng tôi đã dành thời gian xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho HHP GLOBAL, qua đó cũng đã bổ sung thêm nhiều sáng kiến và bắt tay vào thực hành ESG ngay từ thời điểm tham gia Chương trình”, bà Trần Thị Thu Phương nói.

Cụ thể, HHP GLOBAL đã thành lập Tiểu ban Phát triển bền vững (Tiểu ban ESG) trực thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) để triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị doanh nghiệp) từ ngày 8/8/2023.

>>Moody's: ESG sẽ định hình triển vọng xếp hạng tín dụng năm 2024

Hệ thống nồi hơi tầng sôi đốt đa nhiên liệu nhằm chuyển dịch dần từ nhiên liệu hoá thạch (than đá) sang biomass và đốt được rác thải công nghiệp phát sinh tại Nhà máy Công ty Cổ phần HHP Global.

Hệ thống nồi hơi tầng sôi đốt đa nhiên liệu nhằm chuyển dịch dần từ nhiên liệu hoá thạch (than đá) sang biomass và đốt được rác thải công nghiệp phát sinh tại Nhà máy Công ty Cổ phần HHP Global.

Đồng thời, chính thức đưa ra Tuyên bố chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG vào đúng sự kiện Kỷ niệm 10 năm hoạt động của HHP GLOBAL và lễ Khánh thành Nhà máy HHP Paper Hải Phòng vào ngày 23/12/2023. 

Ngoài ra, việc triển khai ESG tới toàn thể CBCNV cũng được HHP GLOBAL chú trọng ngay từ những việc nhỏ nhất như văn hóa không dùng nước đóng chai nhựa để giảm thiểu phát thải ra môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt....

“Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm kê và xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại nhà máy HHP Paper ngay sau khi nhà máy mới đi vào vận hành ổn định, đồng thời xây dựng và công bố báo cáo ESG đến tất cả các nhà đầu tư, khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, các bên liên quan khác”, bà Trần Thị Thu Phương cho biết.

Đồng thời, HHP GLOBAL sẽ tiếp tục triển khai dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY, nhận chứng chỉ LEED và chuẩn bị hoàn thiện Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015...

Chia sẻ về hành trình đến với ESG, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, năm 2011 Vinasamex bắt đầu xuất khẩu trực tiếp và xây dựng thương hiệu ở các thị trường quốc tế như Ấn Độ và Bangladesh.

Với 10 tỷ đồng có được từ những dự án kinh doanh trước, Vinasamex mua hàng với mức giá đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Sau khi bán được 3 container có lãi, số hàng còn lại phải “cất vào kho” vì Ấn Độ dừng mua hàng. Một năm sau, họ mua trở lại nhưng giá bán chỉ bằng 1/3 giá nhập.

Cán bộ Vinasamex đào tạo bà con nông dân trồng và thu hoạch hồi Organic.

Cán bộ Vinasamex đào tạo bà con nông dân trồng và thu hoạch hồi Organic.

“Đó là một tình huống ngoại cảnh buộc chúng tôi phải chuyển đổi. Xác định không thể phụ thuộc vào một thị trường mà thị trường đó lại chỉ quan tâm về giá thay vì giá trị”, bà Nguyễn Thị Huyền nói.

Nhận thấy phải chuyển hướng kinh doanh bền vững hơn, Vinasamex quyết định thử sức ở những thị trường mới.

“Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về thực hành ESG, nhưng lúc này công ty phải đối mặt với thách thức mới, đó là hàng trăm thậm chí hàng nghìn các quy định, tiêu chuẩn khác nhau về chất lượng sản phẩm, về trách nhiệm với môi trường, xã hội…”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Vinasamex bắt đầu tìm hiểu và xây dựng từng bước một theo những quy định tiêu chuẩn của ESG. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân và chính quyền địa phương tin tưởng cùng hợp tác tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ.

Cái khó nhất khi xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chí theo quy định hữu cơ là phải thay đổi tập quán canh tác của người dân. Chính vì vậy, ngay từ đầu công ty đã đầu tư để tập huấn, đào tạo nhằm thay đổi tư duy của các hộ dân. 

“Chúng tôi tiến hành xây dựng nhà máy Yên Bái từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế, vì là nhà máy đầu tiên, mặc dù còn gặp khó khăn về vốn, nhưng chúng tôi kiên định phải tuân theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không gây hại tới môi trường. Thời điểm đó, Vinasamex phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng đã để lại cho chúng tôi những bài học quý báu”, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định. 

Có thể bạn quan tâm

  • Moody's: ESG sẽ định hình triển vọng xếp hạng tín dụng năm 2024

    05:30, 12/01/2024

  • Thị trường lao động tiềm năng của ESG

    02:27, 03/12/2023

  • Thực hành ESG, doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật

    01:00, 29/11/2023

  • Chỉ 7 doanh nghiệp niêm yết trong rổ VN100 có báo cáo đầy đủ về ESG

    14:20, 27/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ESG giúp doanh nghiệp “biến gánh nặng” môi trường thành tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO