Eurozone gặp khó, xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 26/08/2023 03:00

Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không ổn định từ quý 4 năm 2022 không chỉ do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh.

>> Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), kinh tế khu vực Eurozone vẫn đứng trước triển vọng không mấy khả quan do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế trì trệ ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. GDP của Đức không tăng trưởng trong quý 2/2023, sau khi đã giảm liên tiếp 0,5% và 0,3% trong các quý trước đó.

Đến đầu tháng 8, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng lên mức 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ Ấn Độ, Pakistan.

Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu bị chững lại từ nửa cuối năm 2022.

Nhiều bất ổn

Châu Âu chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật sau 2 quý suy giảm liên tiếp. Bước sang quý II/2023, Eurozone tăng trưởng nhẹ trở lại ở mức 1,1%, nhưng động lực chính nhờ “hiện tượng” bứt phá 13,7% của Ireland - nơi có các tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ ăn nên làm ra sau dịch bệnh COVID-19.

Giới phân tích cho rằng, khu vực Eurozone khó lấy lại phong độ tăng trưởng như trước chiến sự Nga - Ukraine, do tính bất định của giá năng lượng, lương thực khiến lạm phát dai dẳng. Chính vì vậy, người dân không còn tự tin mua sắm, tiêu dùng như trước, dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong môi trường lãi suất không khuyến khích mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, BASF - Tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đức dự kiến giảm lợi nhuận trước thuế khoảng 5,2 tỷ Euro trong năm nay, đã cắt giảm 2.600 việc làm. Hay như Ford mới sa thải 3.800 nhân công tại châu Âu; Công ty thiết bị y tế Philips PHG của Hà Lan cắt giảm 6.000 nhân viên,…

Nhưng điểm đáng lo ngại nhất và có tác động rộng nhất là nhu cầu tiêu dùng ở Eurozone chưa biết đến khi nào phục hồi trở lại. Nguyên nhân trực tiếp là do người dân ưu tiên dự trữ nguồn lực mua khí đốt sau cú sốc bất ngờ tăng giá 40% trên sàn giao dịch TTF tại Hà Lan hồi đầu tháng 8/2023 vì có tin nhân công tại các nhà máy LNG ở Australia đình công.

Việc kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát cũng khiến châu Âu mất đi trợ lực quan trọng. Dòng vốn Trung Quốc ồ ạt tháo chạy khỏi “lục địa già”, trong khi châu Âu không thể bán hàng cho Trung Quốc như kỳ vọng khi cường quốc châu Á mở cửa nền kinh tế trở lại.

>> Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?

Lạm phát ở Eurozone tuy giảm nhưng vẫn ở mức 5,3% tính đến hết tháng 7, còn quá cao so với mục tiêu lý tưởng 2%. Tuy nhiên, nỗ lực đẩy lùi lạm phát bị phá hỏng bởi xu hướng tăng tiền lương rất nhanh tại Eurozone trong vài thập kỷ gần đây. Triển vọng xuất khẩu ảm đạm của châu Âu khiến Bank of America giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm nay từ 0,4% xuống 0,3%.

 Dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU khi EVFTA có hiệu lực (Đơn vị tính: %, Nguồn: Bộ Công Thương)

Dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU khi EVFTA có hiệu lực (Đơn vị tính: %, Nguồn: Bộ Công Thương)

Trong “nguy” có “cơ”

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở 200% nên tác động từ suy giảm kinh tế châu Âu là rất lớn. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu bị chững lại từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng nặng nhất là ngành hàng dệt may, da giày, gỗ, nông, lâm, thủy sản.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong giai đoạn cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có cái nhìn tổng quan về thị trường quốc tế, tận dụng tối đa các lợi thế mới nổi cũng như mở rộng đối tác và hoàn thiện mình chờ cơ hội phục hồi.

Đầu tiên, khủng hoảng lương thực toàn cầu mang đến cho Việt Nam cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng và giá trị cao chưa từng có. Đến đầu tháng 8, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng lên mức 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ Ấn Độ, Pakistan. Xuất khẩu loại gạo này được dự báo sẽ vượt mốc 600USD/tấn.

Đây là cơ hội ngàn vàng để Việt Nam nâng ngành công nghiệp lúa gạo lên tầm cao mới, như tăng quyền định đoạt giá gạo toàn cầu thông qua việc nắm nguồn cung đáng kể; chắc chân tại các thị trường truyền thống và mở rộng biên độ ảnh hưởng tại các thị trường mới. Cơ hội này có được nhờ các cuộc khủng hoảng liên hoàn trên thế giới.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đẩy mạnh các chương trình ngoại giao cấp cao, làm sâu sắc thêm các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA; ký kết FTA với Israel tạo tiền đề cho hàng Việt tiến vào thị trường Trung Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, “cú sốc” tại thị trường châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ là điểm dừng đúng lúc để các nhà hoạch định chiến lược kinh tế ngoại biên có thời gian đánh giá lại bản đồ xuất khẩu, tái cơ cấu nhóm hàng, ngành hàng, phương thức tiếp cận; đổi mới cách thức tổ chức sản xuất theo tiêu chí phổ quát của thế giới.

Ví dụ, Mỹ và EU yêu cầu với ngành gỗ, dệt may và thủy sản ngày càng khắt khe, theo hướng “xanh” hóa sản phẩm từ nguyên liệu, vùng trồng, công nghệ chế biến. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sản xuất để thích ứng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ suy thoái kép ở Eurozone

    Nguy cơ suy thoái kép ở Eurozone

    04:00, 29/11/2020

  • Eurozone bên bờ vực khủng hoảng

    Eurozone bên bờ vực khủng hoảng

    11:02, 09/06/2018

  • ECB tăng lãi suất, kinh tế Châu Âu sẽ suy giảm mạnh hơn

    ECB tăng lãi suất, kinh tế Châu Âu sẽ suy giảm mạnh hơn

    08:55, 11/09/2022

  • Điều gì xảy đến với kinh tế châu Âu khi Nga dừng xuất khẩu dầu khí?

    Điều gì xảy đến với kinh tế châu Âu khi Nga dừng xuất khẩu dầu khí?

    15:16, 12/03/2022

  • Lãi suất âm, kinh tế châu Âu có dương?

    Lãi suất âm, kinh tế châu Âu có dương?

    06:07, 29/03/2021

  • Những bất ổn “bủa vây” nền kinh tế châu Âu

    Những bất ổn “bủa vây” nền kinh tế châu Âu

    07:15, 08/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Eurozone gặp khó, xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO