EVFTA: Cơ hội mới sau nghịch cảnh COVID

HUYỀN TRANG 17/06/2020 16:12

Cùng với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA được xem là bước tiến rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Chiều nay, (16/06/2020), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) cùng tổ chức hội thảo “Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong đại dịch”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).

hội thảo “Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong đại dịch” thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia, diễn giả. Ảnh: Quốc Tuấn.

Hội thảo “Thương mại Quốc tế theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Tìm cơ hội trong đại dịch” thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia, diễn giả. Ảnh: Quốc Tuấn.

“Cú hích” lớn hậu COVID

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiệp định EVFTA sẽ cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện của VCCI, trong sân chơi mới, các doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn toàn diện, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. 

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn.

Cũng tai Hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh hiệp định EVFTA mang đến 4 tác động cơ bản với Việt Nam.

Thứ nhất, EVFTA sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới cho xuất khẩu, thương mại, kinh doanh. EVFTA sẽ mở cửa thị trường, là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội EVFTA: (Bài 3) Ngành thủy sản cần tập trung gỡ thẻ vàng IUU

    15:40, 17/06/2020

  • Cắt giảm 48,5% dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực tác động ra sao tới thu ngân sách?

    11:00, 17/06/2020

  • Cơ hội từ EVFTA: (Bài 2) “Cửa sáng” cho ngành gỗ Việt

    11:00, 16/06/2020

Thứ hai, cùng với nhiều FTA khác, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty mới. Bên cạnh sự song hành của EVIPA, EVFTA càng mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.

Thứ ba, về dài hạn, cũng giống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực về mọi mặt. Tuy nhiên, EVFTA lại làm giảm rào cản thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trên tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Hiệp định cũng sẽ giúp hiện đại hóa khung pháp lý của Việt Nam, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng.

Thứ tư, lộ trình giảm thuế và cam kết cắt giảm thuế trong EVFTA cũng sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các quy định về thuế trong EVFTA chính là động lực cho Việt Nam hưởng lợi không chỉ trong xuất khẩu, mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu, tiếp cận với những loại máy móc, công nghệ hiện đại, tiên tiến của EU.

Làm gì để hoá giải thách thức, tận dụng cơ hội?

Trong khi đó, cũng nói về những thách thức của EVFTA, TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những rào cản kỹ thuật, như: tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ…. thì còn nhiều rào cản “mềm” khác, như: vấn đề lao động, môi trường… Vì vậy, cùng với nỗ lực cả các cơ quan Nhà nước, thì doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với quan điểm xuyên suốt là luôn có thách thức bên cạnh những cơ hội đã được chúng ta chỉ ra và phân tích lâu nay.

Tháng 8 tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA. Ngoài những cơ hội thuận lợi, thị trường nội địa và các doanh nghiệp phân phối trong nước có khả năng dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế.

TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Thực tế hiện nay, năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tác động lan tỏa về năng suất, công nghệ khi thu hút đầu tư từ EU. Trong khi đó, việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam, cũng sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.

Theo Bộ Công Thương, thị trường phân phối Việt Nam hiện nay có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người); cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục "đổ" vào ngành bán lẻ Việt Nam.

Theo một số chuyên gia, mặc dù EVFTA sẽ tạo ra sức ép lớn đối với thị trường nội địa cũng như hệ thống phân phối, tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Đưa ra lưu ý thêm doanh nghiệp Việt Nam, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin,… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến “nguồn lực” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương. “Vấn đề là bản thân doanh nghiệp đã thực sự dành sự quan tâm tìm hiểu, thực sự chủ động thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập hay chưa” – TS Thành kết luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội EVFTA: (Bài 3) Ngành thủy sản cần tập trung gỡ thẻ vàng IUU

    15:40, 17/06/2020

  • Cắt giảm 48,5% dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực tác động ra sao tới thu ngân sách?

    11:00, 17/06/2020

  • Cơ hội từ EVFTA: (Bài 2) “Cửa sáng” cho ngành gỗ Việt

    11:00, 16/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVFTA: Cơ hội mới sau nghịch cảnh COVID
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO