Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI tại hội thảo: "Nhận diện cơ hội kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua" do VCCI tổ chức sáng nay (10/7) tại Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 10/07/2019
00:00, 10/07/2019
11:16, 09/07/2019
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Hội thảo này:
“Sau một tuần ký kết, có lẽ cảm xúc vui hay buồn đã có phần sâu lắng lại, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để suy ngẫm về tiến trình của EV FTA.
Đã có nhiều lời hay tiếng đẹp về EV FTA, nếu coi EV FTA là cuộc hôn nhân thì chúng ta hiểu rằng mọi cuộc hôn nhân dù đẹp cũng không chỉ màu hồng, nếu coi EVFTA là bông hoa đẹp thì thật ra có đẹp như bông hoa hồng đi chăng nữa thì hoa hồng cũng có nhiều gai.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao nhưng năng lực hội nhập lại rất thấp. Thực ra, năng lực hội nhập cũng chính là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, tức là ở mức trung bình.
Trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế còn thấp hơn nữa (94/140) - dưới trung bình, động lực kinh doanh còn thấp hơn nữa (101/140).
Tuy nhiên, độ mở thì ở nhóm cao nhất. Trong ASEAN độ mở của nền kinh tế Việt Nam chỉ thua Singapore nhưng năng lực cạnh tranh xếp thứ 7, chỉ đứng trước Lào, Cam, và Myanma, Chủ tịch VCCI so sánh.
Với những số liệu trên, có thể thấy, có khoảng cách của độ mở nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, khép lại khoảng cách này là hành trình hội nhập, là hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh, và đó chính là hai chìa khoá quyết định thành công trong hội nhập.
Với riêng EVFTA, Châu Âu là nơi kinh tế phát triển cao, ít có sự cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên Việt Nam có lợi thế. Nhưng để hiện thực lợi thế này thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ hàng hoá, môi trường, quan hệ lao động, phát triển bền vững... và thực hiện được tất cả những điều kiện này là việc không đơn giản.
Trong những năm qua, quá trình mở cửa hội nhập đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành tựu quan trọng nhưng Việt Nam lại là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng, EVFTA là cơ hội để đẩy mạnh xuất nhập khẩu cho sản xuất kinh doanh. Hợp tác với Châu Âu là cách để Việt Nam vươn mình lên.
Với EVFTA, Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thách thức về thuế quan, các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa...
Để hóa giải những thách thức này, đồng thời tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại cần sự nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp.
Vấn đề đầu tiên là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nội luật hóa được các quy định của EV FTA. Đây thực sự là một công việc không dễ dàng. Với quá trình nội luật hóa các cam kết do EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải khéo léo tận dụng các khoảng không gian chính sách để sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp. Hơn hết, doanh nghiệp cũng mong Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để có thể yểm trợ của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn diện hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Trong bối cảnh ấy, VCCI sẽ là kênh quan trong để hỗ trợ doanh nghiệp, mở ra các cơ hội về các Hiệp định Thương mại tự do.