EVFTA thực thi: Động lực giúp doanh nghiệp Việt phục hồi hậu COVID-19

NGUYỄN VIỆT 29/06/2020 12:00

Khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh hậu COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định như vậy tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19” diễn ra sáng ngày 29/6.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã bị sụt giảm đáng kể. Về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4/2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước đó, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA là đã xác định đi ra biển lớn, do đó chúng ta cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới.

Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA là đã xác định đi ra biển lớn, do đó phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ, Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA là đã xác định đi ra biển lớn, do đó chúng ta cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để tham gia một cách chơi mới. “Đây là điều phải làm, vì thế giới đã bắt đầu chuyển đổi về chuỗi cung ứng”, ông Thái nói.

Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất khi Việt Nam tham gia EVFTA là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). theo đánh giá của một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, C/O là mảng vất vả nhất khi xuất khẩu. Bởi có những C/O phải mất 2,5 tháng mới có được, điều này khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng.

“Hiện nay công ty đang xúc tiến sang thị trường EU đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất, cửa tủ bếp, Nhưng vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất là C/O”, đại diện doanh nghiệp gỗ bày tỏ.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam cũng cho rằng, một trong những vướng mắc nhất chính là C/O. “C/O được ví như “con ốm”, mà con ốm thì bố mẹ rất sợ. Bởi nếu không lấy được C/O thì không có tiền. Đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, da giày không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại”.

Bên cạnh C/O, truy xuất nguồn gốc cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty Cacao Đồng Nai cho biết, vấn đề truy xuất nguồn gốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, nhà sản xuất nhanh chóng tiếp cận thị trường EU khi EVFTA đi vào thực thi từ khâu thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sẽ được đồng bộ.

điều khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất khi Việt Nam tham gia EVFTA là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và truy xuất nguồn gốc. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Điều khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất khi Việt Nam tham gia EVFTA là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và truy xuất nguồn gốc. (Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, khó khăn là không chứng minh được có bao nhiêu lượng hàng, dẫn đến bị cạnh tranh bởi Indonesia, Philippines, khiến doanh nghiệp bị phạt thuế. “Do đó, nên áp dụng bằng tem, mã vạch từng khâu một để truy suất nguồn gốc chuẩn, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng tối đa từ Hiệp định EVFTA”, ông Cường nói.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất xứ là một nội dung quan trọng. Xuất xứ của hàng hóa chính là tạo sự khác biệt của hàng hóa nội khối với hàng hóa bên ngoài. Nếu hưởng những ưu đãi thuế quan trong 1 hiệp định thì phải chứng minh hàng hóa có xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định.

“Cho nên, nhiều khi khó khăn không phải do câu chuyện cấp giấy chứng nhận đó, mà bởi nguồn nguyên liệu đang sử dụng không phải nguyên liệu nội khối, không đáp ứng quy định của quy tắc xuất xứ”, bà Trang chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA: Những thuận lợi và rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại

    EVFTA: Những thuận lợi và rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại

    14:00, 18/06/2020

  • EVFTA: “Cú hích” phục hồi xuất khẩu thời hậu dịch

    EVFTA: “Cú hích” phục hồi xuất khẩu thời hậu dịch

    00:02, 18/06/2020

  • EVFTA: Cơ hội mới sau nghịch cảnh COVID

    EVFTA: Cơ hội mới sau nghịch cảnh COVID

    16:12, 17/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVFTA thực thi: Động lực giúp doanh nghiệp Việt phục hồi hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO