EVFTA: "Ứng phó" với nguồn gốc xuất xứ

Anh Duy 25/07/2019 14:02

Nếu EVFTA được ví là tuyến đường cao tốc Việt Nam với châu Âu thì những quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết và sẽ còn phải chờ Nghị viện châu Âu (EP) và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực, dự kiến sớm nhất là đầu năm 2020.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania và bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania và bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại.

Song với những cam kết ở mức độ cao trong EVFTA, hơn 99% các loại thuế quan sẽ được gỡ bỏ, trong đó EU loại bỏ thuế đối với hàng nghìn mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam. Việc gỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên hơn nữa. Sự gia tăng thương mại này được dự báo là sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Xuất xứ và thẻ đỏ

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.

Theo dự án hỗ trợ đầu tư và chính sách thương mại châu Âu (Mutrap) dự đoán, trong giai đoạn thực hiện đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn khoảng 7% đến 8% so với khi ký EVFTA.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng hơn 50% so vào năm 2020, cũng như lượng hàng nhập khẩu từ EU sẽ có sự tăng trưởng đáng kể.

Thực tế, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao. Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác).

Một ví dụ khác, vào tháng 10/2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Nếu không cải thiện, nguy cơ sẽ bị giơ “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.

Hiệp định thương mại EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất: “Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…”.

Điều đáng nói, Việt Nam hiện cũng chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA: Thách thức nằm ngay “sân nhà”

    16:17, 24/07/2019

  • Sẵn sàng để "đón sóng" EVFTA

    09:14, 23/07/2019

  • Thực thi CPTPP và EVFTA : Kỳ vọng tăng sức bật cho xuất khẩu thủy sản

    02:29, 20/07/2019

  • EVFTA: Cải cách phải song hành cùng lợi ích

    00:16, 15/07/2019

  • Tận dụng cơ hội EVFTA: Doanh nghiệp phải “chuyển dịch” lên mức chuẩn

    11:01, 14/07/2019

  • EVFTA và cơ hội cho ngành gỗ Việt

    05:06, 13/07/2019

Bắt đầu từ nguyên liệu

Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu như thế các doanh nghiệp có thể chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Đơn cử với ngành dệt may, quy tắc xuất xứ được quy định là “từ vải trở đi”. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi, đây chính là thách thức lớn.

Nếu so sánh với CPTPP cùng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” thì quy tắc xuất xứ của EVFTA có phần đơn giản hơn. Tuy nhiên, tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA là vấn đề lớn với ngành dệt may. “Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc và Đài Loan không tham gia các FTA lớn, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan”, ông Vương Công Văn - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng nhận định.

Với riêng EVFTA, quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần có thể mang lại hi vọng cho doanh nghiệp Việt, vốn dĩ còn gặp khó khăn về năng lực sản xuất và nghiên cứu. Điều này đặc biệt phù hợp với Việt Nam khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn.

Theo đó, quy tắc xuất xứ cộng gộp này cho phép các mặt hàng Việt Nam được sản xuất từ nhiều khâu có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ các nước khác mà vẫn đảm bảo hàm lượng “nội khối”. Cụ thể đối với ngành may mặc, nguyên liệu sản xuất có thể được nhập từ các nước cùng ký  FTA với EU và Việt Nam, đơn cử là Hàn Quốc. Do đó, các doanh nghiêp có thể chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ các quốc gia trong EU và các quốc gia có thoả thuận FTA với EU để tận dụng ưu đãi thuế.

Đến công nghiệp phụ trợ

Nhìn về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thoả mãn yêu cầu về xuất xứ. Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và  quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như dệt may, giày dép và lắp ráp  (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

Công ty In và Bao bì Goldsun - Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho Samsung

Công ty In và Bao bì Goldsun - Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho Samsung

“Đây cũng là thời điểm thích hợp để xây dựng Bộ tiêu chí về hàng Việt Nam. Bộ tiêu chí cần xác định rõ nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, vì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. Việc ban hành sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định.

Với cam kết ở mức độ cao, con đường cao tốc nối liền Việt Nam và thị trường Liên minh châu Âu (EU) mở ra rộng lớn nhưng cũng không ít các thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVFTA: "Ứng phó" với nguồn gốc xuất xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO