FED tăng lãi suất (Kỳ II): Những tác động khó lường

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập 27/03/2023 00:00

Trong cuộc họp vừa qua, FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 4,75- 5%, gây áp lực lớn hơn cho các quốc gia khác.

Fed cho biết những đợt tăng lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào phần lớn vào số liệu kinh tế Mỹ.

 Một cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan của FED với thẩm quyền quyết định lãi suất và cung tiền. Ảnh: Fed

Một cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan của FED với thẩm quyền quyết định lãi suất và cung tiền. Ảnh: Fed

>> FED tăng lãi suất (Kỳ I): Sức ép thắt chặt tiền tệ

“Cơn gió ngược” đáng ngại

Nếu FED tiếp tục tăng mạnh lãi suất, nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ giảm tốc hơn nữa so với dự báo trước đây. Tháng 1/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ 3,4% năm 2022 xuống 2,9% vào năm 2023. Nếu lãi suất USD tiếp tục tăng, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục hạ nhiệt sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Mức tăng trưởng 2,9% như dự báo ở trên sẽ không thể đạt được.

Tăng lãi suất có thể sẽ gây ra rủi ro cho các khoản nợ của Mỹ, đồng thời có thể kéo các quốc gia khác vào cuộc khủng hoảng nợ. Đối với nền kinh tế Mỹ, trái phiếu nợ chính phủ hiện tại hơn 31.461 tỷ USD (bằng 98% GDP của năm 2021). Lãi suất tăng sẽ dẫn đến tăng chi phí tái cấp vốn của chính phủ trong tương lai. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, nguy cơ vỡ nợ của chính phủ cũng sẽ tăng lên. Thêm vào đó, điều này có thể cản trở các chương trình chi tiêu công tốn kém cho cơ sở hạ tầng và/hoặc gây khó khăn cho các chương trình chi tiêu y tế có lợi cho người thu nhập thấp mà chính quyền Biden mong muốn thực thi. Đây là lý do luôn có tranh cãi và chia rẽ lớn về cách chính phủ chi tiêu và nguy cơ vỡ nợ chính phủ ở Mỹ.

Đối với các nền kinh tế mới nổi và có thu nhập thấp, FED tiếp tục tăng lãi suất có thể sẽ dẫn đến áp lực buộc họ phải thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hơn nữa để ổn định vĩ mô, gây khó khăn hơn cho tăng trưởng và phục hồi.

Quan trọng hơn, điều này còn làm tăng thêm gánh nặng nợ của họ và nguy cơ khủng hoảng nợ tiếp tục gia tăng. Khoảng 60% nền kinh tế thu nhập thấp trên thế giới đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, gánh nặng trả nợ của các nước thu nhập trung bình đã đạt mức cao nhất trong 30 năm qua, tổng nợ toàn cầu đang ở mức cực kỳ cao và có thể tiếp tục tăng. Sri Lanka và Ghana đã vỡ nợ trong khi không có gì đảm bảo rằng các quốc gia và khu vực khác sẽ vượt qua nó một cách an toàn.

>> Khó "lay chuyển" đà tăng lãi suất sắp tới của FED

Ngoài ra, FED tăng lãi suất sẽ đẩy USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế khác sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất và tỷ giá nhằm ổn định đồng tiền nội tệ và vĩ mô. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho tăng trưởng và phục hồi ở các nền kinh tế trên toàn cầu.

Một số hàm ý cho Việt Nam

Việc FED tăng mạnh lãi suất có thể dẫn đến sự mất giá nhanh của VND so với đồng USD và có thể làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng áp lực lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khó tiếp tục giảm lãi suất điều hành để duy trì ổn định vĩ mô. Điều này đến lượt nó sẽ gây thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế vì lãi suất hiện nay được xem là quá cao.

Mặt khác, lãi suất cao hơn ở Mỹ cũng có thể dẫn đến giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vì các nhà đầu tư có thể thích đầu tư vào các tài sản của Mỹ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng khi cầu đối với xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống.

Tóm lại, xuất khẩu và vốn FDI- hai động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị thu hẹp; đồng thời, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu chi phí vay cao hơn. Kết quả, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc Hội đề ra là 6,5%.

Về mặt chính sách phản ứng, Việt Nam nên theo dõi chặt chẽ tỷ giá hối đoái để giảm khả năng mất giá của VND, có thể xem xét cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và có khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tiền tệ.

Chính phủ và NHNN có thể xem xét thực hiện các chính sách hỗ trợ nhu cầu trong nước qua các biện pháp như kích thích tài chính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hỗ trợ trực tiếp đối với nhóm người thu nhập thấp bị mất việc làm.

Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực củng cố khu vực tài chính để cải thiện khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài. Điều này có thể liên quan đến việc thực hiện các cải cách để cải thiện khung pháp lý, tăng cường thực hành quản lý rủi ro và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, Việt Nam có thể xem xét đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình sang nhiều nước và khu vực khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Fed tăng lãi suất lần thứ 9, dự báo chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc

    Fed tăng lãi suất lần thứ 9, dự báo chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc

    04:59, 23/03/2023

  • Chủ động kịch bản ứng phó với đà tăng lãi suất của Fed

    Chủ động kịch bản ứng phó với đà tăng lãi suất của Fed

    05:02, 09/03/2023

  • Cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn dài

    Cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn dài

    13:34, 02/03/2023

  • Giá vàng tuần tới: Khó tránh “cơn gió ngược” từ FED

    Giá vàng tuần tới: Khó tránh “cơn gió ngược” từ FED

    04:30, 19/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FED tăng lãi suất (Kỳ II): Những tác động khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO