Sự bùng nổ mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) là một áp lực lớn, đồng thời cũng là động lực để các ngân hàng chuyển đổi số.
Nội dung này cũng sẽ được đề cập tại tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số, Thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID-19” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào lúc 14h ngày 21/5/2020 tại Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Từ thách thức…
Trên thế giới kể từ khi làn sóng các công ty startup tập trung vào lĩnh vực công nghệ tài chính nổi lên sau chuỗi thời gian khủng hoảng năm 2008, Fintech đã trở thành một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp thay đổi cách thức hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng.
Tại Việt Nam, mặc dù mới chỉ hình thành cách đây chưa lâu, song Fintech đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù tiềm lực tài chính là khá nhỏ bé, song các công ty Fintech đang cạnh tranh giành giật thị phần với các ngân hàng trong nhiều phân khúc bán lẻ. Đơn cử như trong lĩnh vực thanh toán, mặc dù hiện khá nhiều người dân đang sở hữu không chỉ một mà đến vài ba chiếc thẻ ngân hàng, thế nhưng mỗi khi ra đường họ vẫn phải mang theo tiền mặt bên mình. Lý do là bởi, những chiếc thẻ này chỉ có thể thanh toán tại những nơi có máy POS. Trong khi ví điện tử của các công ty Fintech cho phép người sử dụng có thể lưu trữ thông tin tài chính của họ trên máy điện thoại, nên có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi.
Ngay cả trong lĩnh vực cho vay, với lợi thế tinh gọn về quy trình và công nghệ, các công ty Fintech cũng có thể xét duyệt một khoản vay trong vòng vài giờ đồng hồ; trong khi tại các ngân hàng truyền thống, thời gian này có thể lên tới vài tuần.
Có thể thấy các sản phẩm mới mà các công ty Fintech mang lại có tính sáng tạo cao, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, tiện ích hơn so với với các sản phẩm truyền thống của các ngân hàng. Quan trọng hơn cả, các sản phẩm này mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng đối với các đối tượng chưa từng là khách hàng của ngân hàng hoặc nhóm khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng nhờ khẩu vị rủi ro ở mức độ cao hơn của các công ty Fintech. Đó chính là yếu tố tạo nên sức mạnh cho các Fintech.
… đến động lực cho ngân hàng số
Tuy nhiên xét ở một khía cạnh nào đó, Fintech chính là động lực để các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Bởi theo Ngân hàng Thế giới, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính.
Trên thực tế, những tiến bộ trong công nghệ tài chính đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển ứng dụng như: thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán thẻ chip đối với thẻ nội địa…
Nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV...), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking), khách hàng có thể dùng được nhiều tính năng, tiện ích hơn so với gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch…
Chẳng hạn như ngân hàng số Live Bank của TPBank đang mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng như thực hiện các dịch vụ ngân hàng từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khách hàng qua video, sinh trắc học... Với Live bank, chỉ trong vòng 8 phút khách hàng có thể mở tài khoản và nhận thẻ trong khi họ mất 3 - 4 ngày nếu làm thủ tục tại các phòng giao dịch truyền thống.
Thậm chí, việc bắt tay với các Fintech cũng là một giải pháp để các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của mình. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Viện Chiến lược ngân hàng cho thấy, có tới 84% các lãnh đạo ngân hàng cho biết họ mong muốn hợp tác với các Fintech để cùng phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mỗi bên. Đơn cử như VietinBank đã hợp tác với Opportunity Network – một công ty Fintech hàng đầu của Anh để cung ứng Dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa. Hay như VPBank đang hợp tác với Công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số. Ngoài ra còn có mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của M_Service ở khu vực nông thôn…
“Kinh doanh của ngân hàng tới đây không chỉ đơn thuần là cho vay mà phải nhúng được các công nghệ vào và ngân hàng nào làm chủ được thì sẽ thành công”, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 20/05/2020
11:00, 27/02/2020
04:00, 08/02/2020
15:32, 07/02/2020
16:59, 05/02/2020
09:00, 05/05/2020