Chỉ trong vòng một thập kỷ, Ford đã “đốt” hết gần 12 tỷ USD cho tham vọng của mình ở Brazil. Và giờ đây, họ muốn dừng “cuộc chơi” tốn kém này.
Một thế kỷ trước, Henry Ford đã đến Brazil với hy vọng trở thành một nam tước cao su của vùng Amazon. Chính xác là từ năm 1928-1945, Ford Motor đã xây dựng các đồn điền ở Fordlandia và Belterra trong nỗ lực thiết lập chỗ đứng lâu dài ở Brazil.
Mục tiêu thành lập công ty Ford Motor tại Brazil gồm hai thứ: cung cấp nhu cầu nội bộ của Ford về cao su cũng như mang lại một cuộc sống tốt hơn cho những người Brazil sống và làm việc trên các đồn điền. Các đồn điền là minh chứng cho những đổi mới nông nghiệp và canh tác thương mại trong rừng.
Tuy nhiên, họ đã bị đánh dấu bởi những thất bại, chẳng hạn như Ford không hiểu văn hóa bản địa và cố gắng áp đặt lịch trình làm việc và lối sống giống như ở Dearborn, đại bản doanh của họ cho người Brazil bản địa.
Và giờ đây, nhà sản xuất ô tô do ông sáng lập lại một lần nữa phải lấp liếm vết thương ở Brazil, khi đã từ bỏ sản xuất tại thị trường đầy thách thức sau khi đốt gần 61 tỷ reais (11,6 tỷ USD) trong thập kỷ qua.
Ford đã thông báo đóng cửa các nhà máy sản xuất của mình vào tháng Giêng, giáng một đòn nặng nề vào hơn 5.000 công nhân và gần 300 đại lý của hãng tại Brazil.
Các hồ sơ công ty chưa được báo cáo trước đây cho thấy quy mô của các cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến quyết định này. Ford đã đốt tới 7,8 tỷ USD, phần lớn là lỗ lũy kế nhưng cũng có một số khoản tiền mặt, theo các tài liệu được nộp tại bang Sao Paulo, nơi nhà sản xuất ô tô đăng ký tại Brazil.
Thêm vào đó là 4,1 tỷ USD mà Ford sẽ chi ra để tự giải thoát khỏi các cam kết của mình, và cái giá phải trả cho hoạt động ở Brazil tăng lên gần 12 tỷ USD.
Theo Reuters, hầu hết tất cả các khoản lỗ và bơm tiền mặt đều là trong 8 năm qua, khi công ty lỗ khoảng 2.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra, dựa trên hồ sơ và dữ liệu bán hàng cho thấy.
Có thể nói, cuộc ra đi tốn kém của Ford đã cho thấy những rủi ro cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu ở Brazil, quốc gia cách đây không lâu được coi là một trong những thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất trên thế giới.
Có một sự thật, Brazil được coi là “chiến trường gây lỗ nặng” cho các công ty xe hơi toàn cầu, mặc dù chính phủ nơi đây đã cung cấp các khoản trợ cấp liên bang với tổng trị giá 8 tỷ USD trong thập kỷ qua và thuế nhập khẩu 35% để bảo vệ sản xuất trong nước.
Rõ ràng, chi phí để sản xuất trong nước rất cao, thêm vào đó là nhu cầu thấp cùng xuất khẩu rất ít vì giá cả không cạnh tranh, đã khiến các nhà sản xuất ô tô phải tốn tiền để giữ cho các nhà máy mở cửa trong khi hoạt động với công suất thấp.
Một nghiên cứu được ủy quyền bởi tập đoàn công nghiệp ô tô Brazil Anfavea, tập đoàn đang vận động chính phủ để giảm thuế và chi phí lao động cho thấy, chi phí sản xuất cao ở Brazil đã khiến ngay cả những nhà sản xuất ô tô chuyển hướng sớm hơn Ford sang những chiếc SUV có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, như Volkswagen, General Motors hay là Toyota, cũng đang phải vật lộn để trụ lại nơi đây.
Các tài liệu cho thấy, Volkswagen Brazil đã lỗ 3,7 tỷ USD kể từ năm 2011, theo hồ sơ của công ty ở bang Sao Paulo. GM Brazil đã báo cáo khoản lỗ 2,2 tỷ USD tiền mặt kể từ năm 2016, trong khi đó, Toyota Brazil năm ngoái đã báo cáo khoản nợ 1 tỷ USD.
Mặc dù, Ford đã được chính quyền Brazil hỗ trợ các khoản trợ cấp thuế, tổng số tiền này nhiều hơn so với các đối thủ của mình trong thập kỷ qua. Kể từ năm 2011, Ford đã thu được khoảng 2,6 tỷ USD trợ cấp thuế, hoặc một phần ba tổng số ưu đãi ô tô liên bang được phân phối trong giai đoạn đó.
Tuy nhiên, vào năm 2013, triển vọng kinh doanh bắt đầu thay đổi, khi giá hàng hóa giảm và kéo theo đồng nội tệ, đẩy Brazil vào một cuộc suy thoái sâu sắc và tồi tệ hơn bởi các vụ bê bối tham nhũng. Vào thời điểm đó, Brazil là thị trường ô tô lớn thứ tư thế giới, còn bây giờ họ đứng thứ bảy.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu nội địa yếu và xuất khẩu không cạnh tranh đã khiến Ford phải tăng gấp 5 lần doanh số bán xe số lượng lớn từ năm 2011 đến năm 2019 và giảm giá sâu xuống 30% hoặc hơn.
Nhưng có một điều quan trọng mà các chuyên gia nhận định, đó là sự chậm chạp của Ford trong việc chuyển hướng chiến lược.
Ricardo Bacellar, người đứng đầu mảng ô tô của KPMG tại Brazil cho biết: “Sự thật là Ford đã thất bại trong việc hiện đại hóa dòng sản phẩm của mình với tốc độ như các đối thủ”.
Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã càng làm tăng thêm sự căng thẳng tài chính của Ford, đồng thời cũng phản ánh những sai lầm chiến lược khiến hãng này tụt hậu so với các đối thủ trong việc chuyển đổi dòng xe nhỏ gọn không sinh lời thành SUV lợi nhuận cao hơn.
Có thể nói, những sai lầm đều phải được trả giá bằng rất nhiều tiền. Chỉ trong vòng một thập kỷ, Ford đã “đốt” hết gần 12 tỷ USD cho tham vọng của mình ở Brazil.
Nhưng giờ đây, có lẽ họ đã nhận ra một sự thật “đắng lòng” khi quyết định dừng cuộc chơi tốn kém ở Brazil và đóng cửa ba nhà máy của mình, một nhà máy lớn nhất ở Camaçari, ở phía đông bắc bang Bahia, chỉ giữ lại một hoạt động nhỏ bán hàng nhập khẩu. "Không có lựa chọn khả thi nào khác", Lyle Watters, người đứng đầu Ford Nam Mỹ, chia sẻ trong một tuyên bố về quyết định rời khỏi Brazil.
Có thể bạn quan tâm