Khảo sát 500 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, 58% doanh nghiệp xác định làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào.
Kết quả trên được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến hoạt động nhân đạo. Nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ Châu Á (TAF) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo đó, 58% doanh nghiệp xác định làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào. Các doanh nghiệp cũng như một số doanh nhân hoạt động từ thiện chủ yếu ở ba lĩnh vực: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo... Chủ tịch VCCI đánh giá, các doanh nghiệp làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng từ thiện, từ trái tim chứ không phải mục đích kinh doanh, đánh bóng tên tuổi, nâng cao thương hiệu, uy tín.
Có thể bạn quan tâm
11:56, 30/11/2018
10:05, 02/05/2018
06:16, 27/03/2018
18:20, 06/02/2018
"Rất nhiều doanh nghiệp âm thầm làm từ thiện, thậm chí đóng góp tiền cho các quỹ từ thiện nhưng yêu cầu giấu tên. Bản thân hành động của họ đã nâng cao uy tín cho doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nói.
Bên cạnh đó, TS Vũ Tiến Lộc thông tin thêm, VCCI cũng tiến hành nghiên cứu riêng về sự tham gia, đóng góp cho an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện đối với 500 doanh nghiệp trong đó có 389 doanh nghiệp phản hồi về vấn đề này và có 333 (Tương đương 85,6%) doanh nghiệp tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và 56 doanh nghiệp ít hoặc không nắm rõ mức độ tham gia của doanh nghiệp đối với các hoạt động xã hội.
Thông qua kết quả khảo sát, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội đang phát triển cả về chất, lượng và mục đích trong cộng đồng doanh nghiệp dù là một tổ chức phi lợi nhuận hay một doanh nghiệp kinh doanh điển hình.
"Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng là lực lượng đi tiên phong trong các hoạt động nhân đạo từ thiện. Trải suốt trong chiều dài lịch sử đất nước, các doanh nhân thành công trong kinh doanh cũng là doanh nhân đi đầu trong hoạt động từ thiện. Một trong những tiêu chuẩn của doanh nhân đó chính là trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển các hoạt động từ thiện", TS Vũ Tiến Lộc nói.
Có thể thấy, việc tham gia công tác từ thiện cũng là hoạt động quan trọng, là nội dung chiến lược của nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp cân bằng mục tiêu xã hội và kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững.
Các doanh nghiệp có những chương trình hỗ trợ từ thiện chiến lược sẽ giúp cộng đồng giải quyết tận gốc vấn đề về xã hội và môi trường và cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho chính bản thân doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang coi từ thiện, an sinh xã hội là một phần không thể thiếu song song với các chỉ tiêu trong kinh doanh, nhiều trong số đó thậm chí còn coi đó là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước xu hướng hội nhập và nền kinh tế số là hai động cơ chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, đồng thời mang lại nhiều thách thức mới. Hội nhập cũng như nền kinh tế số đã mang lại thành quả và sự phát triển, tuy nhiên trong quá trình phát triển đó, sự phát triển bao trùm chưa được đảm bảo và rất nhiều người bỏ lại phía sau.
Mặt khác, quá trình hội nhập dường như chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn chứ chưa dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng đang đe dọa rất lớn tới công ăn việc làm của những lao động có tay nghề thấp. Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI khẳng định, công tác hỗ trợ, nâng cao trách nhiệm xã hội cần phải đề cao để khắc phục được mặt trái của thị tường, của công nghệ, của hội nhập.
Bên cạnh những nỗ lực cấu trúc lại thương mại thế giới để đem lại sự phát triển bao trùm hơn, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong chiến lược phát triển, chính phủ các nước cần ưu tiên thúc đẩy hoạt động xã hội. Các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm xã hội.
"Nhân văn dường như là đích đến cho sự nghiệp kinh doanh - điều này là xu hướng trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và thế giới" - Chủ tịch VCCI khẳng định cam kết đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thúc đẩy và tham gia tích cực hơn nữa đối với công tác nhân đạo, từ thiện.