Gắn kết doanh nghiệp với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

DIỄM NGỌC 23/12/2021 11:13

“Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp”.

>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Gắn trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp

Thách thức nguồn nhân lực trong đại dịch

Phát biểu tại Hội nghị NSDLĐ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp”, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết, chủ trương xã hội hoá giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đây là một giải pháp mang tính đột phá nhằm đảm bảo đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp, cho việc nâng cao năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hội nghị NSDLĐ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp” (ảnh Diễm Ngọc)

Hội nghị NSDLĐ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp” (ảnh Diễm Ngọc)

Doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Doanh nghiệp có quyền, trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo.

Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi. Vì vậy, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN, để GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và của người lao động, cũng như của người sử dụng lao động”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (ảnh: Diễm Ngọc)

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (ảnh: Diễm Ngọc)

Báo cáo của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng chỉ ra, trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN như: các chính sách thể hiện quyền của doanh nghiệp hay doanh nghiệp được thành lập các cơ sở GDNN, được tham gia tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; được tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành thực tập,... Cùng với đó, các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng được quy định, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng đứt gãy, cùng với đó là nguồn lao động giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động. Từ những khó khăn đó, các hoạt động GDNN gắn với doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức.

Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên gặp khó khăn. Trong khi đó, khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn, thiếu chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng lao động phổ thông không qua đào tạo.

Ngoài ra, trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề chưa được thực hiện tốt. Doanh nghiệp chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời về nhu cầu nhân lực lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ Lao động, Luật GDNN.

Đặc biệt, một số địa phương chưa tích cực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN thuộc quyền tăng cường gắn kết với doanh nghiệp; công tác báo cáo thống kê theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số chương trình hợp tác đã ký kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, Nhà nước với doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra cơ chế hoạt động hiệu quả”, ông Hùng phân tích.

>>Đầu tư nguồn nhân lực bền vững

Giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị (ảnh Diễm Ngọc)

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị (ảnh Diễm Ngọc)

Trao đổi tại phiên thảo luận của Hội nghị, ông Nguyễn Thế Cường, Giám đốc đào tạo Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ, khoảng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn mới nhận thức được vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực và thành lập đơn vị văn phòng Tập đoàn, giải quyết các vấn đề chính sách, chuyên môn và thành lập các chuyên môn theo ngành dọc như ban tài chính, ban vận hành,...

Với kinh nghiệm cá nhân, để đào tạo tốt có 3 trụ cột chính:

Một là, có tài liệu đào tạo, dù ngành khách sạn đã có từ lâu nhưng bộ đào tạo tiêu chuẩn thì chưa có. Do đó phải thành lập ban chuyên môn đào tạo riêng cho tập đoàn

Hai là có đào tạo viên, phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo ra các đào tạo viên, sau đó lọc ra những người chuyên nghiệp để đạo tạo lại cho các đào tạo viên tại tập đoàn.

Ba là cơ sở vật chất. Thường doanh nghiệp có thuận lợi về cơ sở vật chất hơn các nhà trường, từ tài liệu, trang thiết bị,... phân loại rõ ràng đối tượng, có chương trình hỗ trợ cho sinh viên học tập riêng và có chương trình học việc cho nhân viên mới chưa có kỹ năng nghề.

Ngoài kỹ năng chuyên môn, chúng tôi còn đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, đồng thời thuê các đối tác bên ngoài để đào tạo thêm cho các cấp lãnh đạo, giám đốc. Để trở thành giám đốc quản lý một khách sạn 5 sao là rất khó khăn, nhưng với công tác đào tạo được chú trọng từ ban đầu, Mường Thanh đã xây dựng được đội ngũ lãng đạo, quản lý chuyên nghiệp”, ông Cường chia sẻ.

Còn theo Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên, trực thuộc Tổng công ty May 10, doanh nghiệp mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục đào tạo, để doanh nghiệp “mặn mà” hơn với hoạt động này, đồng thời giúp đơn giản hoá nhiều thủ tục.

Về hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN. Trong đó tập trung vào các giải pháp như:

Thứ nhất, lập đề nghị Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, mở rộng danh mục này có chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia.

Thứ hai, phối hợp Tổng cục Thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp tham gia GDNN.

Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp.

Thứ tư, đánh giá kết quả thí điểm Hội đồng kỹ năng nghề của ngành du lịch-Khách sạn, nông nghiệp, ban tư vấn đào tạo Logistics,... hoàn thiện chính sách về thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn cấp quốc gia, ngành, địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp "bắt tay" Sun Group hợp tác đào tạo nhân lực

    14:52, 26/11/2021

  • “Cần đề án về giáo dục nghề nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0”

    11:18, 22/10/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

    20:26, 20/07/2021

  • TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Gắn trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp

    16:09, 14/12/2021

  • Tạo nguồn nhân lực chất lượng phù hợp

    19:12, 14/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gắn kết doanh nghiệp với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO