Gắn sản phẩm OCOP vào các tour du lịch để tạo đột phá là hướng đi cần thiết, góp phần định vị điểm đến cho du khách, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương.
Đó là ý kiến của các doanh nghiệp và các cơ quan quan lý nhà nước trong chiến lược phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, quảng bá sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị và làm mới sản phẩm trong phát triển du lịch.
Một mũi tên trúng “hai đích”
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, cho rằng hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang thúc đẩy và phát triển nhanh các sản phẩm chất lượng đạt tiêu OCOP “2 sao, 3 sao, 4 sao”. Điều này có nghĩa là đã đến lúc các doanh nghiệp cũng như các địa phương cần liên kết lại để thúc đẩy, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong tiêu thụ nội địa, một thực tế là hiện nay các doanh nghiệp, HTX vẫn đang đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng bằng con đường truyền thống, như: siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện ích…
Trong khi, xuất khẩu lại đang bị hạn chế vì đó là hình thức thông thường và cũng chỉ là 1 kênh. Chưa kể, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì nhiều sản phẩm OCOP không thể đáp ứng được sản lượng lớn hàng container để phục vụ cho thị trưởng xuất khẩu. Do đó, lối ra cho các sản phẩm OCOP chính là việc tìm giải pháp xuất khẩu qua con đường du lịch.
“Trong chiến lược phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương cần gắn vào các tour du lịch để tạo đột phá, góp phần định vị điểm đến cho du khách, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương, là hướng đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay” ông Nhâm nói.
Cũng theo ông Nhâm, theo số liệu thống kê, tất cả các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là những tỉnh thành có đường bờ biển thì mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách. Một bài toán đơn giản, nếu chỉ cần thuyết phục số lượng khách này mua các sản phẩm OCOP tại địa phương thì giá trị đem lại là vô cùng lớn. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả về doanh thu, lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp, mà còn mang lại những giá trị vô hình cho các địa phương về công tác quảng bá du lịch với bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Vì thế việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ và gắn với du lịch là một bước đi đột phá, đảm bảo đúng mục tiêu “một mũi tên trúng hai đích”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, hiện nay, với dự án sân bay Long Thành đang được triển khai, khi đi vào hoạt động với công suất trên 25 triệu khách quốc tế mỗi năm, chắc chắn sẽ hút trọn lượng du khách cao cấp cực lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Do đó, việc kết hợp sản phẩm, OCOP gắn với du lịch để làm mới sản phẩm, góp phần khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của các địa phương, là vấn đề rất đáng lưu ý.
Gắn sản phẩm OCOP vào các tour du lịch
“Đặc biệt, trước bối cảnh du lịch tại các địa phương còn nhiều hạn chế về sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng thì việc gắn sản phẩm OCOP vào các tour du lịch sẽ góp phần bổ sung, và tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Song, để mô hình này phát huy hiệu quả thì chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP được tham gia các chương trình, lễ hội lớn, xúc tiến đầu tư… do địa phương tổ chức, nhằm góp phần định vị các điểm đến cho du khách. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, như: tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới gắn với sản phẩm OCOP của địa phương trên các kênh truyền thông quốc tế, các website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp, nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến với du lịch của địa phương mình nhiều hơn” ông Hải nói.
Đánh giá về những mặt tích cực trong việc gắn kết sản phẩm OCOP với các tour du lịch, ông Đỗ Phước Trung - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), cho rằng: Trong chiến lược đưa sản phẩm OCOP đến gần khách du lịch hơn thông qua các tour du lịch là giải pháp dài hơi. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP, thì các ngành chức năng cần vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đưa sản phẩm OCOP vào du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối chương trình, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng, điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên địa bàn của địa phương mình.
“Là địa phương thu hút đông đảo khách du lịch, với hơn 13triệu khách/năm, thì sản phảm OCOP của BR - VT có lợi thế hơn hẳn trong xuất khẩu tại chỗ so với các địa phương khác. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP đến gần hơn với du khách, thì các chủ thể OCOP cũng cần chú ý đến việc xúc tiến và quảng bá sản phẩm của mình” ông Trung nói.
Lấy dẫn chứng về sự kết hợp này, ông Trung cho biết, vừa qua Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ trì, khảo sát và công bố được 230 điểm đến và xây dựng 54 tuor tuyến. Trong đó, các tour tuyến này đã có rất nhiều điểm đến là nơi sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh. Và việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã làm cho BR - VT là điểm đến hấp dẫn hơn. Bởi, trên thực tế khách đến đây không chỉ có nghỉ dưỡng, vui chơi, tham quan di tích, mà còn có nhiều điểm tham quan kết hợp mua sắm và trải nghiệm. Đây là loại hình du lịch mới mà gần đây được du khách rất quan tâm. Do đó, các địa phương cần phải đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ, gắn với sản phẩm OCOP để tạo đột phá, góp phần phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng bền vững.