Ban Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) đang xin ý kiến cổ đông để nâng công suất của Khu Liên hợp Dung Quất lên gấp đôi.
Dự án mở rộng Dung Quất dự kiến sẽ bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm, tăng 100% so với công suất hiện tại của Khu liên hợp Dung Quất. Khi dự án mở rộng Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, HPG có thể sản xuất 13,9 triệu tấn thép mỗi năm, tăng 184,9% so với công suất cuối năm 2019.
Dự án mở rộng Dung Quất sẽ được xây dựng trên diện tích đất 166 ha, tăng 38% so với diện tích hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng dự án Dung Quất vẫn là câu chuyện dài hạn. Theo như chia sẻ của Ban Lãnh đạo HPG, lịch trình dự kiến của kế hoạch mở rộng như sau: HĐQT HPG thông qua chủ trương mở rộng dự án Dung Quất vào ngày 10/2/2020. Sau khi được cổ đông thông qua bằng văn bản dự kiến trong tháng 3/2020, HPG sẽ nộp kế hoạch cũng như Nghị quyết ĐHCĐ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi. Và Sở KH&ĐT Quảng Ngãi sẽ trình dự thảo dự án xin chấp thuận của các cơ quan Trung ương.
Tiến trình được các cơ quan chấp thuận đầu tư có thể mất khoảng 2-3 năm (dựa vào lịch sử từ Dung Quất giai đoạn 1-2). Theo đó, dự án Dung Quất mở rộng có thể sẽ khởi công trong năm 2023. Giai đoạn 1 của dự án mở rộng dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ khi được chấp thuận xây dựng và giai đoạn 2 sẽ mất thêm 36 tháng nữa để chính thức đi vào hoạt động.
Sản phẩm thép mới của Khu Liên hợp Dung Quất mở rộng sẽ góp phần bổ sung thêm công suất 0,5 triệu tấn thép xây dựng (tăng 10% so với hiện tại), 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC- tăng 120% so với hiện tại) và 1,5 triệu tấn sẩn phẩm thép mới (thép hình, thép tròn cơ khí chế tạo). Với danh mục sản phẩm trong giai đoạn mở rộng này, có thể thấy HPG tập trung chủ yếu vào HRC.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng mức đầu tư của giai đoạn mở rộng rất lớn nhưng sẽ không tạo áp lực lớn lên HPG. HPG dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có (vốn chủ sở hữu) và 40% từ nguồn vay. Theo tính toán của VNDirect, HPG có thể tích lũy được 22.756 tỷ đồng dòng tiền tự do (trước khi chi trả cổ tức) đến cuối năm 2023, tương đương với 73% tổng nhu cầu vốn tự có. Nếu nguồn vốn vay được giải ngân theo tiến độ 6 năm của dự án mở rộng, quy mô nợ/vốn chủ sở hữu của HPG giai đoạn 2023-2025 sẽ chỉ ở mức 9-16%, nằm trong ngưỡng an toàn.
Có thể bạn quan tâm
00:19, 06/01/2020
05:00, 01/01/2020
05:01, 03/07/2019
17:01, 11/12/2018
Tại giá đóng cửa ngày 17/2/2020, cổ phiếu HPG đang được giao dịch với chỉ số P/E 2019 là 8,9 lần, mức định giá này có vẻ khá hấp dẫn so với quy mô sản lượng, thương hiệu và vị thế của HPG trong ngành thép. Tuy nhiên trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu HPG vẫn dậm chân tại vùng đáy 23.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trên thị trường nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng… Những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.
Do vậy, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không hẳn đầu tư vào các cổ phiếu thép sẽ chịu rủi ro, mà cơ hội vẫn nằm ở những cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn có chiến lược đầu tư bài bản...