Việc phân cấp sẽ giúp đỡ người nghèo, bởi khi hệ thống không còn bị quá tải giường bệnh trong bệnh viện công, các bệnh viện sẽ mạnh dạn đầu tư nâng cấp hạ tầng, thiết bị y tế do có nguồn thu.
>>Ngành Y tế: Vẫn “nóng” vấn đề tự chủ
Tôi may mắn có nhiều bạn bè người nước ngoài, nhiều nhất là người Nhật Bản, rồi Mỹ, Hàn Quốc, Pháp… khi đi chơi cùng nhau, lúc chạm cốc thường chúc nhau sức khoẻ.
Họ đều nói rằng họ quý sức khoẻ lắm, họ sợ nhất bị ốm phải nằm viện, vì ở các nước phát triển, chi phí cho việc nằm viện cực cao, là gánh nặng tới mức sợ hãi cho những người làm công ăn lương đơn thuần.
Ấy là họ nói thế, nhưng khi đi thăm bạn bè ốm ở Nhật Bản, tôi lại ao ước Việt Nam mình được một phần như thế. Bệnh viện mà yên tĩnh, sạch sẽ như khu nghỉ dưỡng cao cấp, sát giường bệnh là các thiết bị y tế sáng choang, nhưng phía trên lại là thiết bị giải trí như ti vi, máy tính bảng.
Người bệnh nằm thoải mái trên giường với các chỉ số sinh tồn được theo dõi chặt chẽ qua máy móc, bất kỳ dấu hiệu nào bất thường là có người ứng trực tới xử lý. Người vào thăm không được mang đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân, vì chế độ ăn uống theo chỉ định của bác sĩ với thực phẩm hỗ trợ và an toàn cho việc điều trị.
Người thăm bệnh nhân chỉ được phép thay quần áo vào tay không, ngay cả hoa cũng không được mang vì sợ có người dị ứng phấn hoa, hay mùi hương làm ảnh hưởng tới người khác. Vào viện phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Và đương nhiên là tiền nào của ấy, giá chi phí cho nằm viện và điều trị không hề dễ chịu chút nào.
Việt Nam đang ở điểm giao thời từ nghèo khó tiệm cận đến sự phát triển, đời sống kinh tế phát triển nhanh chóng, nhưng cũng đang phải trả giá cho việc tàn phá môi trường đổi lấy kinh tế. Rừng bị phá, sông bị chặn làm thuỷ điện, lạm dụng sử dụng thuốc hoá học, bảo vệ thực vật tràn lan làm nhiều sinh vật tuyệt chủng, mất cân bằng sinh thái.
Bây giờ trái cây thì dừa bơm thuốc hóa học, dứa, xoài ủ thuốc độc, khoai trồng siêu tốc, đất đầy thuốc trừ sâu, thuốc độc hại. Sầu riêng chín ép, mít chín theo giờ..., phá vỡ các quy luật tự nhiên, đốt cháy giai đoạn phát triển của trái cây.
Biển thì ngập rác thải nhựa, lưới giã cào tận diệt, đáy biển thì san hô chết, kích điện, hoá chất độc hại ô nhiễm môi trường đi vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn. Số người bị bệnh ung thư, nguy cơ ung thư, tiềm ẩn ung thư, cùng rất nhiều bệnh mới xuất hiện đe doạ cuộc sống của con người.
Con người có thể làm ra tiền của, vật chất, nhưng không thể làm ra sức khoẻ bản thân. Sức khoẻ là thứ phải giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc chứ không ai làm giúp cho ta cả. Cuộc sống còn ý nghĩa gì khi nằm bẹp trên giường bệnh; tiền của, nhà cửa để làm gì khi nằm dưới đất sâu.
Nếu muốn được chăm sóc y tế tốt, cách tốt nhất là chăm chỉ, tích cực làm việc, tích luỹ tài sản, mua các loại bảo hiểm sức khoẻ bảo vệ cho bản thân và gia đình. Chẳng có ai chăm chỉ, thông minh, cần cù, siêng năng mà không có thành tựu gì ở trong xã hội này. Chỉ có “dày ăn, mỏng làm”, hay kêu ca, thích hưởng thụ, khôn vặt “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, cái gì cũng thích miễn phí thì mới phản đối việc triển khai các dịch vụ y tế cao cấp. Sau đó lại ra sức kêu gào trách cứ, so sánh y tế Việt Nam với y tế các nước phát triển.
>>Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế
>>Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê
Quan điểm cá nhân người viết, với khoản đầu tư cho giường bệnh thì đừng so đo đắt rẻ, Bộ Y tế cứ mạnh dạn mà đưa thông tư về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Khung giá dự kiến áp dụng từ đầu năm tới được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tối đa là 3 triệu đồng một ngày cho loại phòng có một giường. Cùng hạng bệnh viện, phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Kinh tế Việt Nam bây giờ đã khác, con cháu thành đạt sẵn sàng đưa bố, mẹ người thân vào giường điều trị hạng đặc biệt, dù giá có tới 3 triệu đồng/giường/một ngày như sự báo hiếu. Đừng so sánh với khách sạn 4 hay 5 sao, khách sạn là cá nhân lựa chọn, còn khi có bệnh chẳng có lựa chọn nào ngoài việc nhập viện cả. Nằm đắt xắt ra miếng, sức khoẻ nhanh chóng cải thiện, phục hồi xuất viện hơn là lay lắt nằm kéo dài ở các buồng bệnh đông đúc chật chội.
Việt Nam chưa đủ tiềm lực để đảm bảo y tế miễn phí cho toàn dân. Muốn cải thiện hệ thống y tế, đảm bảo đời sống vật chất kinh tế cho đội ngũ y bác sĩ thì phải có sự chia sẻ đóng góp từ nhân dân. Đừng đòi hỏi quá nhiều và lên giọng bênh vực cho người nghèo. Chính phân cấp như thế này là đang giúp đỡ người nghèo, bởi khi hệ thống không còn bị quá tải giường bệnh trong bệnh viện công, các bệnh viện sẽ mạnh dạn đầu tư nâng cấp hạ tầng, thiết bị y tế do có nguồn thu.
Tính ra, đầu tư xây dựng hạ tầng giường bệnh cao cấp, thiết bị hiện đại, y, bác sĩ… đủ chuẩn cao hơn nhiều so với chọn mảnh đất đẹp xây khách sạn 4 sao, 5 sao. Xin cứ mạnh dạn triển khai vì sức khoẻ, tính mạng, nhu cầu của nhân dân. Đừng để cho các suy nghĩ tiêu cực kéo lùi sự phát triển của y tế Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
11:25, 24/11/2022
05:52, 23/11/2022
10:03, 09/11/2022
05:00, 21/10/2022