Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, trong khi giá lợn hơi neo cao, đã giúp “ông lớn” ngành chăn nuôi DBC có quý kinh doanh lãi kỷ lục.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn trong kỳ cũng tăng 19%, lên 2.901 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành chăn nuôi này vẫn đạt 624 tỷ đồng, tăng mạnh 122% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, mặc dù hầu hết các chi phí của doanh nghiệp như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng so với cùng kỳ, nhưng tác động không đáng kể đến kết quả kinh doanh, nên sau khi trừ chi phí lợi nhuận sau thuế của DBC đạt 312 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến 2.405%, tương đương với mức tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý gần đây của doanh nghiệp này.
Theo lãnh đạo DBC, quý III/2024, tình hình giá thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước và nhập khẩu ổn định; Công ty tích cực nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp, đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường... Do đó, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, dù ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục chịu áp lực dịch bệnh, nhưng do áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, an toàn sinh học và đặc biệt là tiêm phòng vaccine... nên các công ty chăn nuôi của DBC đã kiểm soát được dịch bệnh. Mặt khác, giá lợn hơi trên thị trường tăng cũng hỗ trợ giúp cho lợi nhuận quý III/2024 của các công ty chăn nuôi nói chung và DBC nói riêng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, DBC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 10.353 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái; Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 530 tỷ đồng, cũng tăng đột biến 2.758%, tương đương với tăng trưởng gấp tới hơn 28,5 lần so với cùng kỳ 2023. Với kết quả này, DBC đã hoàn thành gần 73% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.
Theo Chứng khoán DSC, giá lợn hơi đã quay đầu tăng trở lại kể từ cuối năm 2023 và đang đi ngang quanh mức 65.000 đồng/kg do nguồn cung heo giảm. Năm 2023, người chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ khá e ngại với việc tái đàn do giá heo hơi liên tục giảm và giá TACN ở mức cao. Bên cạnh đó, dịch ASF xuất hiện trở lại cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người chăn nuôi.
Nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay bởi tái đàn cần nhiều thời gian, lượng heo giống nhập khẩu năm 2024 khá nhỏ giọt, dịch AFS quay trở lại khiến số lợn bệnh, chết và tiêu hủy tăng, nhập khẩu thịt lợn không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, DSC cho rằng mặt bằng giá lợn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.
“Với sự chủ động về con giống, mô hình hoạt động khép kín, DBC không chỉ tái đàn trước các doanh nghiệp khác mà còn hạn chế được dịch bệnh. Chúng tôi đánh giá doanh nghiệp sẽ có lợi thế rất lớn trong sóng giá lợn này”, DSC đánh giá.
Bên cạnh đó, giá các loại ngũ cốc làm nguyên liệu TACN đã hạ nhiệt đáng kể từ vùng đỉnh năm 2022. Tuy diễn biến thời tiết tại các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn không quá thuận lợi, theo USDA, nguồn cung và kho dự trữ thế giới vẫn được đảm bảo. Dự báo trong niên vụ 2024/2025 sản lượng đậu tương thế giới sẽ tăng ~5%, trong khi sản lượng ngô vẫn tiếp tục được duy trì. Giá các loại ngũ cốc vì vậy dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2024, giúp biên lợi nhuận gộp mảng TACN cải thiện thêm 1-1,5%.
Ngoài ra, DSC cho rằng DBC được hưởng lợi từ Luật Chăn nuôi. Cụ thể, Luật Chăn nuôi (2020) yêu cầu kể từ ngày 01/01/2025, các địa phương sẽ phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và các khu vực không được phép chăn nuôi, hoặc sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động. Vì vậy, cơ cấu chăn nuôi đang có xu hướng dịch chuyển từ các hộ nhỏ lẻ sang các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và doanh nghiệp lớn. Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay các nông hộ nhỏ lẻ chỉ còn chiếm khoảng 30-35% cơ cấu sản lượng lợn sản xuất trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, DBC đang tích cực mở rộng quy mô chăn nuôi lợn với dự án Khu chăn nuôi công nghệ cao tại Thanh Hóa và Phú Thọ, tổng công suất dự kiến là 10.200 lợn nái, 147.400 lợn thương phẩm. Việc mở rộng công suất kỳ vọng giúp DBC tiếp tục chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế quy mô lớn, trang trại hiện đại, khép kín và nguồn giống chất lượng có khả năng tái đàn nhanh.
Ban lãnh đạo DBC cho biết, đã triển khai tiêm khoảng 300.000 liều Dacovac-ASF2 cho các trang trại lợn nội bộ. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu lực bảo hộ đạt 80-100%. Trình tự thủ tục và hồ sơ pháp lý của dự án vacxin cũng đã cơ bản hoàn thiện. Hiện DBC đang gấp rút thực hiện các công đoạn cuối để được đánh giá công nhận tiêu chuẩn GMP.
“Với tổng mức đầu tư 300 tỷ, công suất dự kiến 200 triệu liều/năm, nhà máy vacxin Dacovet được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng mới cho DBC trong trung và dài hạn. Thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi có quy mô khá lớn và nhiều tiềm năng do trên thế giới mới chỉ có 2 loại vaccine thương mại cho bệnh này. DBC đặt mục tiêu không chỉ lưu hành trong nước mà sẽ xuất khẩu vaccine sang các quốc gia chăn nuôi lọn lớn, mang lại nguồn thu bền vững”, DSC nhận định.
Công ty Chứng khoán này cũng dự phóng lợi nhuận của DBC năm 2024 sẽ phục hồi từ nền thấp của năm 2023. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: giá nguyên liệu TACN đã hạ nhiệt, giúp giảm bớt chi phí chăn nuôi, và giá heo hơi dự báo sẽ neo cao quanh mức 65.000 đồng/kg do nguồn cung chưa phục hồi. Ước tính, doanh thu thuần của DBC năm 2024 đạt 12.085 tỷ, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 627 tỷ, tăng 2.407% so với năm trước.