Giá thép trong nước và thế giới tiếp tục tăng "phi mã" kéo theo đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành thép, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành được dự báo kết qủa kinh doanh khả quan trong năm 2024.
>>"Mây mù che phủ" lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành thép
Phiên giao dịch ngày 24/11, cổ phiếu ngành thép tiếp tục dẫn sóng kéo theo đà tăng của nhóm ngành thép, đặc biệt là "cổ phiếu quốc dân" HPG- Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát và NKG-Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, HSG- Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và một số cổ phiếu thép khác.
Riêng 02 cổ phiếu dẫn đầu HPG có khối lượng khớp lệnh lên tới 26 triệu cổ phiếu trị giá 679 tỷ đồng, tiếp theo là cổ phiếu NKG với khối lượng khớp lệnh lên tới 17,6 triệu đơn vị với tổng gía trị giao dịch 374 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là cổ phiếu HSG với 17 triệu đơn vị khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch lên tới 350 tỷ đồng. Theo lý giải của các chuyên gia, giá thép thế giới trong cuối tháng 11/2023 liên tục tăng đã kéo theo đà tăng của cổ phiếu ngành thép. Bên cạnh đó, dự báo nhóm ngành này sẽ có lãi mạnh trong năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS đánh giá nguồn cung giảm và nhu cầu thép thế giới dự báo sẽ hồi phục vào năm 2024, cụ thể nguồn cung thép giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ trong bối cảnh Trung Quốc cắt giảm sản lượng và Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể phục hồi.
Tại thị trường trong nước, tiêu thụ thép xây dựng nội địa năm 2023 ghi nhận mức thấp khi thị trường bất động sản trầm lắng khi nguồn cung dự án giảm mạnh. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ thép yếu do nguồn cung bất động sản sụt giảm khiến giá thép xây dựng giảm mạnh. MBS dự báo giá thép nội địa duy trì quanh mức 139 triệu đồng/1 tấn. Tuy nhiên MSB cho rằng tổng lợi nhuận nhóm ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% trong năm 2024.
Hiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp ngành thép đã cải thiện từ mức trung bình 8% trong năm 2023 lên 13% năm 2024. Giá thép được dự báo sẽ hồi phục khoảng 8%, từ đó cơ sở để biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành hồi phục lên mức hai chữ số trong năm tới.
Với HPG, trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 6,3 triệu tấn thép xây dựng, HRC và phôi thép, doanh thu đạt 11.4928 tỷ (giảm 18% và lợi nhuận ròng dự kiến đạt 6.337 tỷ đồng giảm 29%. Bước sang 2024, giá thép xây dựng và sản lượng bán hàng dự kiến phục hồi 8% và 7% với kì vọng về thị trường bất động sản phục hồi kể từ giữa năm 2024. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 2,1 triệu tấn nhờ nhu cầu thế giới kì vọng phục hồi. Lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2024 có thể đạt hơn 10.929 tỷ đồng (tăng 70%) nhờ các yếu tố: Giá bán và sản lượng phục hồi trên 7%. Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 12,8% nhờ giá bán cải thiện và nguyên liệu giảm nhẹ. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định hơn giúp chi phí tài chính giảm 30%.
Hiện tại cổ phiếu HPG ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực từ 06/10/2023 kết hợp cùng với chỉ báo định hướng trung bình ADX hiện tại nằm ở mức 26,41 cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua cổ phiếu HPG ở vùng giá 25.500-26.000 đồng.
CTCK CTS nhận định cổ phiếu HPG có thể biến động tích cực trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể tham khảo kịch bản tăng giá dự kiến của cổ phiếu HPG: Vùng giá mua: 25.500-26.000 đồng, Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 1: 28.600 đồng, lợi nhuận dự kiến: 12%; Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 2: 31.700 đồng, lợi nhuận dự kiến 24% ngưỡng cắt lỗ giá đóng cửa dưới 22.900 đồng.
Với cổ phiếu NKG, hiện giá tôn mạ xuất khẩu dự kiến phục hồi lên mức 945 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu phục hồi tại Mỹ và EU trong năm 2024. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu dự báo tiếp tục hồi phục 5% khi nguồn cung tại EU vẫn bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng. Lợi nhuận sau thuế của NKG trong năm 2024 có thể đạt 555 tỷ đồng (tăng 66%) nhờ các yếu tố sau: Giá bán và sản lượng tăng trưởng trên 5%. Biên lợi nhuận gộp của NKG phục hồi lên mức 7,1% vào năm 2024 (tăng khoảng 8% dự báo của năm 2023). Giá cước vận tải hạ nhiệt cũng giúp chi phí vận chuyển giảm 30%.
Theo CTS, hiện NKG đã kết thúc nhịp hiệu chỉnh và để ngỏ đà tăng giá mới. Quan sát xu hướng tăng hình thành từ tháng 05/2023 đến nay có thể thấy cổ phiếu duy trì các pha biến động tăng trong khi đường EMA (60) đóng vai trò hỗ trợ cho các nhịp hiệu chỉnh quá đà. Chỉ báo RSI phục hồi trở lại trên ngưỡng trung tính với dư địa mở rộng xung lực hướng lên cho NKG. Mục tiêu cho kỳ vọng cho nhịp tăng ngắn hạn, nhà đầu tư có thể chốt lời khi cổ phiếu NKG đạt mức 24.500 đồng.
Đánh giá về ngành thép trong năm tới, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra. VSA nhận định giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, các dấu hiệu ổn định trên thị trường bất động sản đã giúp nâng giá quặng sắt kỳ hạn. Trong bối cảnh nguồn cung tăng trưởng chậm lại, triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong các lĩnh vực xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực châu Á sẽ là kim chỉ nam cho đà phục hồi của giá sắt thép và là lợi thế cho các quốc gia sản xuất.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sắt thép cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2023 khi các dự án đầu tư công được triển khai nhiều hơn. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao giải ngân đầu tư công với số vốn 94.000 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với năm 2022.
Do đó, giá sắt thép dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu xây dựng có xu hướng tăng cao hơn. Đây sẽ là cơ hội cho ngành thép và cổ phiếu thép trong thời gian tới…
Có thể bạn quan tâm