Giá vàng vượt xa mốc 90 triệu đồng/lượng và khoảng cách (gap) chênh xa với giá vàng quốc tế tới hơn 19 triệu đồng/lượng là dấu hiệu đáng quan ngại về nguy cơ vàng hóa nền kinh tế.
>>>Giá vàng miếng SJC lập đỉnh lịch sử mới: Hơn 92 triệu đồng/ lượng
Giá vàng thế giới giao ngay sau nhiều phiên lình xình quanh mốc 2.312 USD/ oz, đã có phiên giật lên gây sốc, +27 USD /oz lúc 7h35 ngày 10/5 theo giờ Mỹ, đạt 2.375 USD/oz.
Có hàng loạt yếu tố khiến giá vàng thế giới tăng mạnh. Đó trước hết là căng thẳng ở Israel-Palestine tăng lên. Dải Gaza đang đứng trước thời khắc lịch sử quan trọng: Liệu sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas như một “phép màu” trong thực tế khi nỗ lực của các phái đoàn đàm phán đang lâm vào bế tắc vì không tìm được tiếng nói chung; hay một thảm kịch nhân đạo xảy ra với cuộc đổ bộ lớn của quân đội Israel vào khu vực Rafah?
Cùng với đó, hôm thứ Tư (8/5), Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 8 năm, trong nỗ lực hồi phục cho nền kinh tế đang suy thoái. Các ngân hàng Trung ương lớn như BOE, RBA, ECB đều hướng về chính sách nới lỏng tiền tệ và khả năng cắt giảm lãi khá lớn trong năm nay.
Trong khi đó, thay cho một đợt cắt giảm lãi suất tại Mỹ vào cuối năm dự báo trước dữ liệu lạm phát tháng 4, tín hiệu “bồ câu” cũng được dự báo có thể tăng lên đối với chính sách của Fed khi thị trường lấy lại kỳ vọng sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Xu hướng nới lỏng tiền tệ đang tác động đến giá vàng. Cộng hưởng cùng lực mua tiếp tục tăng mạnh từ các NHTW, dẫn đầu là PBoC của Trung Quốc với sức mua đã kéo dài suốt 18 tháng liên tục vừa qua, góp lực cầu lớn cho vàng tăng giá.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại, cũng là một trong những lý do khiến các nhà buôn vàng trong nước đã liên tục đẩy giá lên, đưa vàng miếng SJC cuối ngày 10/5 chốt ở mức giá chưa từng có trong lịch sử: 92,4 triệu đồng / lượng.
Như vậy chỉ tính trong tuần này, vàng miếng SJC đã có chuỗi thẳng tiến về giá lên những nấc thang mới. Với đà tăng giá vàng cao vọt và liên tục so với giao dịch kim loại quý trên thị trường quốc tế, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế khi quy đổi cũng tăng mạnh trở lại, từ mức trên 12 triệu đồng sau những nỗ lực, quyết tâm siết chặt và hướng tới triển khai đấu thầu vàng của Chính phủ và NHNN, thì nay đã trở lại mức xa trên 19 triệu đồng/lượng - mức mà chính Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định "là mức chênh lệch không thể chấp nhận được". Đáng quan ngại nhất, dù giá cao và khoảng cách xa như vậy, người dân lại vẫn đang xếp hàng đi mua vàng.
>>>Cầu vàng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh đẩy giá vàng cao kỷ lục
Nhu cầu xếp hàng mua vàng xuất xứ từ tâm lý sợ FOMO bỏ lỡ cơ hội sinh lợi từ vàng hàng hóa ở vùng “chưa tăng lên cao thêm” (dù đã ở mức rất cao), hay chủ yếu hướng về tích lũy bảo toàn vốn - Rất khó để xác tín! Và điều gì khiến cho dù lực cầu vàng nhỏ giọt, thậm chí xuất hiện tình trạng “bán vàng giấy” - ghi sổ giao sau nhưng người dân vẫn chấp nhận mua? Quan trọng hơn, hiện trạng như vậy có phản ánh thực chất về mức khan hiếm cung vàng, vốn đã bị các doanh nghiệp cùng các chuyên gia đồng loạt "lên tiếng" từ nhiều tháng trước, với nguyên do là Nghị định 24 từ 2012 và hơn 70 tấn vàng được đấu thầu ra thị trường từ 2013 cho đến nay, thì thị trường không có nguồn cung vàng mới? Cùng với đó, giả định rằng nếu không sử dụng tiếp giải pháp đấu thầu để tăng cung nhằm hướng đến hạ nhiệt nhu cầu vàng mà cơ quan quản lý chỉ tập trung siết/ quản về đầu cơ và có giải pháp can thiệp cụ thể để giải quyết chênh lệch giá vàng; thì xu thế giá vàng liệu có “đảo điên"...?
Chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn đặt câu hỏi và cho rằng đây là những vấn đề rất cần được lý giải trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ, nghiêm túc, có dữ liệu chuẩn. Qua đó, mới hy vọng tránh được nhận định có thể mang tính chủ quan và không hẳn đã phù hợp với diễn biến thực tế, nhưng lại đã, đang tác động rất lớn đến tâm lý người dân và hành vi mua bán vàng trên thị trường.
“Cũng từ nghiên cứu đầy đủ đặt trong tổng thể lợi ích vĩ mô của nền kinh tế và mục tiêu ưu tiên, mới có các lời giải về việc có nên chăng cho phép tư nhân nhập khẩu vàng trực tiếp; hay có nên tiếp tục đấu thầu vàng qua cửa NHNN để tăng cung với mục tiêu hạ nhiệt giá vàng (dù lượng trúng thầu ở các phiên chỉ mang tính thăm dò hoặc nhỏ giọt lực mua so với tổng hàng hóa chào thầu); hoặc, cứ để thị trường vàng tự điều chỉnh; thay vào đó, tập trung về các chính sách quản lý thị trường, kiên quyết không để nền kinh tế có nguy cơ vàng hóa", chuyên gia nhấn mạnh.
Phải nói thêm rằng, mặc dù theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, nếu cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng thí điểm, thì tác động lên tỷ giá không lớn, song một chuyên gia nói với DĐDN: Chắc chắn là kể cả khi để doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng trực tiếp, họ cũng sẽ phải tiêu tốn ngoại tệ bằng cách gom này hay gom khác và tác động đến cung - cầu tỷ giá VND/USD. Cơ quan quản lý cần phải cân đối giữa lợi ích của cung vàng ra thị trường thông qua nhập khẩu và tiêu tốn USD với mục tiêu ổn định tỷ giá, trên quan điểm cần hướng về bảo vệ, ổn định tỷ giá (nhưng không cố định), kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
"Bên cạnh đó, một số quan điểm cho rằng giá đấu thầu của cơ quan quản lý chào thầu hiện nay rất cao, cần thiết phải hạ xuống để các doanh nghiệp cải thiện cơ hội tham gia đấu thầu, tăng cung vàng. Song cần nhớ rằng từ lúc bắt đầu cho đến bây giờ, vẫn chưa xác định được vàng NHNN mang ra đấu thầu là vàng miếng dự trữ trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia hay đây là vàng cơ quan quản lý cũng nhập khẩu - chưa nói đến việc sử dụng nguồn lực quốc gia (theo một thống kê là có hạn) với giá chào thấp để hạ nhiệt giá vàng, sẽ mang đến lợi ích thiệt - hơn gì cho nền kinh tế", chuyên gia nói.
Trong một văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính, NHNN đã đề nghị Bộ "hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu. Cho đến nay, đây là văn bản chính thức đề cập cụ thể đến nguồn gốc vàng đấu thầu. Ngoài ra, trong thông báo đấu thầu gửi đến các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng nêu "Lưu ý trong trường hợp không mua được kim loại quý từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung, kết quả sẽ bị hủy".
Do đó, khác với các quan điểm cho rằng NHNN đang sử dụng dự trữ ngoại hối là kim loại quý để tổ chức đấu thầu, nếu là dùng vàng nhập khẩu từ đối tác để phục vụ đấu thầu, rất khó để kỳ vọng cơ quan quản lý hạ giá chào thầu xuống thấp như một giải pháp trực tiếp tạo nền cho giá vàng. Chưa kể, lượng trúng thầu thấp và vàng có thể không giao ngay cũng sẽ ảnh hưởng đến tác dụng hạ nhiệt thị trường từ góc độ tăng cung qua giải pháp này.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng với diễn biến thị trường hiện nay, song song với nhiệm vụ khẩn thiết là siết chặt nhập lậu vàng - đây là vấn đề cần sự vào cuộc nghiêm túc của tất cả các cơ quan chức năng theo; thì cũng rất khẩn thiết thực thi kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng… Đây cũng chính là yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2024 về quản lý thị trường vàng.
Lưu ý về người mua cuối, theo chuyên gia Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, với mức giá vàng “điên đảo” như hiện nay và khoảng cách rất xa giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, tin rằng nếu người dân không thận trọng với giao dịch vàng, có thể gặp rủi ro cao khi những chính sách quản lý thị trường phát huy hiệu quả, tiến đến thu hẹp “gap” vàng giữa 2 thị trường, đưa giá về mức hợp lý.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2024, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường vàng. Theo Nghị quyết của Chính phủ, quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao. Do đó, Chính phủ yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng… Sau 5 lần được tổ chức đấu thầu, khoảng 6.800 lượng vàng miếng SJC đã được doanh nghiệp mua. Đây là con số khá khiêm tốn so với khối lượng chào thầu của Ngân hàng Nhà nước. Và sau các phiên đấu thầu, giá vàng SJC đã tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỷ giá và lãi suất. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng. |
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng "sốc” sau phiên đấu thầu vàng
12:28, 09/05/2024
Vì sao càng đấu thầu, giá vàng càng “phá đỉnh”?
03:40, 08/05/2024
Cầu vàng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh đẩy giá vàng cao kỷ lục
15:32, 07/05/2024
Giá vàng SJC tăng “sốc” vượt ngưỡng 87,5 triệu đồng/lượng
14:25, 07/05/2024
FED đối mặt nhiệm vụ kép “khó nhằn”, giá vàng sẽ ra sao?
04:20, 05/05/2024