Giá vàng trong nước không ngừng tăng cao thiết lập mốc kỷ lục, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vội vàng "lướt sóng". Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi, tiềm ẩn rủi ro khó lường…
Theo đó, chỉ trong vòng hai tuần qua, giá vàng trong nước đã tăng chóng mặt, từ mức 96 triệu đồng/lượng lên hơn 101 triệu đồng/lượng. Diễn biến này phản ánh tác động của nhiều yếu tố, từ căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu cho đến chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng liên tục leo thang, vượt mốc 2.200 USD/ounce, tạo hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ đối với giới đầu tư trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trong nước có dấu hiệu hạn chế, khiến giá càng dễ bị đẩy lên cao. Trong bối cảnh đó, nhiều người đổ xô mua vàng với kỳ vọng giá còn tiếp tục tăng.
Tâm lý "lướt sóng" trong đầu tư vàng đang lan rộng, đặc biệt là với những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhiều người kỳ vọng chỉ trong một thời gian ngắn có thể bán ra với giá cao hơn, thu lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây có thể là một cái bẫy đầy rủi ro nếu giá vàng bất ngờ đảo chiều.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long,giá vàng đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố không ổn định, nếu nhà đầu tư chỉ chạy theo tâm lý đám đông mà không có chiến lược rõ ràng, rất dễ bị thua lỗ khi thị trường điều chỉnh. Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, những đợt tăng nóng thường đi kèm với biến động mạnh, và một khi giá vàng giảm, nhà đầu tư có thể không kịp trở tay.
Cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, chính sách kiểm soát thị trường vàng của Nhà nước có thể tác động đến giá cả bất cứ lúc nào. Nếu không nắm rõ cơ chế vận hành, nhiều người có thể mắc kẹt khi giá giảm đột ngột. Ông Hiếu cũng cho rằng, việc đầu tư vàng không đơn thuần chỉ là nhìn vào xu hướng tăng mà còn phải xem xét khả năng điều chỉnh và những rủi ro tiềm ẩn.
Nhìn lại quá khứ, thị trường vàng từng chứng kiến nhiều đợt tăng mạnh rồi giảm sâu chỉ trong thời gian ngắn. Điển hình như giai đoạn năm 2011, khi giá vàng đạt đỉnh gần 49 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó lao dốc không phanh, khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy không phải cứ giá vàng tăng là cơ hội, mà quan trọng là phải hiểu rõ diễn biến thị trường. Một vấn đề đáng chú ý là chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước hiện nay đang ở mức cao, lên đến 1 - 2 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa là nếu nhà đầu tư mua vàng ở đỉnh và giá chỉ cần giảm nhẹ, họ có thể mất ngay một khoản không nhỏ khi bán ra.
Các chuyên gia khuyến nghị, thay vì lao vào "lướt sóng" theo tâm lý đám đông, nhà đầu tư cần có chiến lược rõ ràng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Nếu muốn đầu tư vàng, nên hướng đến dài hạn, xem đây như một kênh bảo toàn giá trị thay vì công cụ kiếm lời nhanh. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các chính sách điều hành của Chính phủ, diễn biến kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường quốc tế.
Đặc biệt, không nên dồn toàn bộ vốn vào vàng mà cần có sự phân bổ hợp lý giữa các kênh đầu tư khác để giảm thiểu rủi ro.
Trong cơn sốt giá vàng hiện tại, quan trọng nhất không phải là ai kiếm được lợi nhuận nhanh nhất, mà là ai giữ được vốn và có chiến lược đầu tư bền vững. Một quyết định sai lầm có thể khiến nhà đầu tư trả giá đắt, bởi thị trường vàng luôn biến động khó lường.