USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, cộng với thỏa thuận giải quyết bất đồng thương mại Mỹ- Trung,… đã khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua.
Trong đầu tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.318USD/oz, giá vàng đã tăng nhẹ lên mức 1.322USD/oz, nhưng sau đó đến phiên giao dịch ngày 15/5 lại sụt giảm khá mạnh xuyên thủng mức hỗ trợ tâm lý 1.300USD/oz xuống tới mức 1.288USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế đã giảm hơn 2,5% chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, đây là mức biến động khá mạnh trong nhiều phiên giao dịch gần đây.
Giá vàng giảm mạnh là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng trở lại mức 3,09 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2011. “Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh có nghĩa là khả năng Fed tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6 sắp tới là rất lớn”, ông Phillip Streible, chuyên gia phân tích cao cấp của RJO Futures cho biết và nhận định, giá vàng có thể sẽ giảm xuống 1.250USD/oz trước khi phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bứt phá mạnh mẽ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng đã và đang góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát của Mỹ, buộc Fed phải cân nhắc tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo kết quả khảo sát của CME FedWatch, hiện kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 13/6 sắp tới đang ở mức 95%.
Ngoài ra, USD tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng góp phần “nhấn chìm” giá vàng trong phiên giao dịch hôm qua. Theo đó, USD index đã tăng lên mức 93,29 điểm sau khi giảm xuống mức 92 điểm vào tuần trước.
Sở dĩ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng khá mạnh là do Mỹ đã thỏa thuận cứu tập đoàn công nghệ ZTE của Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ có một số nhượng bộ thương mại với Mỹ, như cắt giảm thuế quan đối với một số nông sản của Mỹ… Điều này làm cho xung đột thương mại Mỹ- Trung “hạ nhiệt”, khiến các nhà đầu tư quay trở lại gom USD và trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên bất ngờ hủy cuộc đàm phán cao cấp với Hàn Quốc và cảnh báo hủy cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên lại đang có dấu hiệu làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên. Nếu tình hình này vẫn tiếp tục diễn biến xấu đi, thi có thể hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, sau khi bị đẩy xuống dưới 1.302USD/oz, giá vàng đã phá vỡ mô hình 2 đỉnh, được thiết lập tại 1.365USD vào ngày 25/1 và 11/4/2018. Điều này có nguy cơ đẩy giá vàng xuống sâu hơn nữa. Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang nằm trên kênh tăng giá trung hạn, đường biên dưới của kênh này hiện ứng với mức 1.284USD/oz. Bởi vậy, nếu xuống dưới mức này, giá vàng có nguy cơ tiếp tục bị đẩy xuống vùng 1.234- 1.277USD/oz. Trong khi đó, mức kháng cự đầu tiên của giá vàng hiện ở mức 1.306USD/oz, kế tiếp là 1.316-1.328USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng sụt giảm khá mạnh từ mức 36,70- 36,82 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,48- 36,58 triệu đồng/lượng, giảm 220.000đ/lượng ở chiều mua vào và 240.000đ/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng miếng SJC vẫn yếu hơn nhiều so với giá vàng quốc tế. Do đó, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã tăng mạnh trong sáng nay lên mức 1 triệu đồng mỗi lượng.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do giá vàng có xu hướng giảm, nên các nhà đầu tư chủ yếu bán ra trong những phiên giao dịch gần đây.