Để khắc phục tính mùa vụ của du lịch, Hải Phòng cần tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khác biệt, đẳng cấp phù hợp cho khách hàng có khả năng chi trả cao…
>>>Nền tảng số - Chất xúc tác cho du lịch Hải Phòng
>>>Hải Phòng: Phát triển du lịch gắn với ẩm thực
Thiếu sản phẩm du lịch đặc thù
Không tắm biển, không tham quan, khám phá hang động thì đến Hải Phòng mùa này sẽ có gì hấp dẫn? Câu hỏi đó luôn là băn khoăn của du khách khi muốn lựa chọn Hải Phòng vào những chuyến du lịch mùa thấp điểm.
Để khắc phục tính mùa vụ, du lịch Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới chứ không chỉ dựa vào những tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, du lịch Hải Phòng vẫn còn có nhiều hạn chế so với các trung tâm du lịch lớn khác.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết: Hải Phòng hiện chưa có khu vui chơi giải trí cao cấp có khả năng cao thu hút khách du lịch. Sự thiếu hụt này là nguyên nhân cơ bản làm giảm đi tính hấp dẫn của du lịch Hải Phòng trong lợi thế so sánh với các địa phương có cùng tiềm năng nhưng được đầu tư chiều sâu, có những sản phẩm đặc thù, được khẳng định về thương hiệu.
>>>Hải Phòng:Phát triển kinh tế biển để mở đường cho đầu tư và du lịch
>>>Xác lập vị thế Hải Phòng
Trước đó, tại cuộc hội thảo về du lịch được tổ chức tại Cát Bà vào giữa năm 2022, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã chỉ ra rằng, một trong những hạn chế của du lịch Hải Phòng hiện nay là thiếu sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao; nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư cho du lịch Hải Phòng chưa xứng tầm với lợi thế, tiềm năng vốn có của TP Hải Phòng. Trong khi một số địa phương trong vùng có sự tương đồng về tài nguyên và loại hình du lịch, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn xây dựng tổ hợp du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với dòng khách truyền thống của Hải Phòng.
Ưu tiên sản phẩm du lịch cao cấp
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, TP Hải Phòng đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu đón và phục vụ 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,8 triệu lượt khách quốc tế, tạo 23-25 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.
Để đạt được mục tiêu này, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nhận định, Hải Phòng cần mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm du lịch đẳng cấp để thu hút dòng khách sang cũng như phù hợp với xu thế du lịch sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, khắc phục được tính mùa vụ, đưa ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững, bứt phá mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, du lịch Hải Phòng cần chú trọng phát triển sản phẩm khác biệt, đẳng cấp, có khả năng, cạnh tranh cao như: du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng biển cao cấp tại quần đảo Cát Bà; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao mở ngoặc góp đóng ngoặc, dịch vụ casino tại bán đảo đồ Sơn; du lịch MICE, mua sắm tại khu vực trung tâm thành phố; du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại khu vực ngoại thành…
Cũng theo ông Tuấn, đây đều là những sản phẩm du lịch có thể triển khai ở cả bốn mùa, tạo thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp, có khả năng dẫn dắt, phát triển các sản phẩm du lịch khác. Đặc biệt là du lịch MICE phù hợp để khắc phục tính mùa vụ trong du lịch TP Hải Phòng.
Theo số liệu từ American Expess, thì có đến 70% số người được hỏi cho biết, họ đang thực hiện nhiều mục tiêu gắn liền với sức khỏe hơn những năm trước đại dịch; 76% cho biết muốn chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch để cải thiện sức khỏe; 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong các kỳ nghỉ tương lai. Như vậy, những dự án, sản phẩm du lịch liên quan đến chăm sóc sức khỏe như: nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch golf, nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng… sẽ là các sản phẩm Hải Phòng cần hướng đến để khắc phục tính mùa vụ cho du lịch.
Theo bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng giám đốc công ty quản lý khách sạn Flamingo, tại Flamigo Cát Bà, chúng tôi chọn đây là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung vào các chương trình mang tính cân bằng thân, tâm, trí; liên quan đến Yoga, Spa cho khách hàng. Đặc biệt, chúng tôi đang muốn thay đổi toàn bộ khái nghiệm của du khách về du lịch thấp điểm và cao điểm, để hướng đến du lịch nghỉ dưỡng 4 mùa.
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở du lịch Hải Phòng cho biết, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng năm 2022 đã xác định, định hướng khai thác sản phẩm du lịch địa phương tập trung vào 5 nhóm gồm: du lịch thể thao, kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút khách có khả năng chi trả cao; du lịch trải nghiệm ở các vùng nông thôn, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe (khu vực suối khoáng nóng), khám chữa bệnh; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch MICE; du lịch văn hóa tâm linh. Trong số các nhóm sản phẩm du lịch này, nhiều sản phẩm du lịch là dòng cao cấp, thu hút khách chỉ trả cao, phù hợp để phát triển nhằm khắc phục tính mùa vụ của du lịch TP Hải Phòng nói riêng, miền Bắc nói chung.
Được biết, để đa dạng sản phẩm và khắc phục tính mùa vụ trong du lịch, TP Hải Phòng hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Dự án đầu tư đầu tư mở rộng không gian du lịch về phía Nam thành phố với loại hình sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe như suối khoáng nóng Tiên Lãng; dự án mở rộng sân golf đồ Sơn; dự án đầu tư và kinh doanh sân golf tại khu du lịch quốc tế Đồi Rồng; dự án Hải Phòng Sakura golf club; dự án công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên và khu trung tâm mua sắm…
Có thể bạn quan tâm