Giải bài toán nuôi biển vì sự phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam cần một cuộc cách mạng của 28 địa phương. Trong đó, tập trung quy hoạch, xây dựng chuỗi cung ứng, hậu cần… là nhiệm vụ then chốt.
>>Xuất khẩu tăng trưởng, doanh nghiệp ngành thủy sản khởi sắc
Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp xoay quanh “Đề án Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để tích cực góp phần thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, rất cần một cuộc cách mạng của các bộ, ngành và 28 địa phương có đường bờ biển để làm nền tảng phát triển nuôi thuỷ sản trên biển, góp phần đưa ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, việc đầu tiên là tập trung quy hoạch vùng nuôi, xây dựng chuỗi cung ứng, hậu cần.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực và vào cuộc để gỡ “thẻ vàng” IUU, thì việc nuôi biển là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế đánh bắt xa bờ và hạn chế các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Mặt khác, nuôi biển còn là nhiệm vụ then chốt, góp phần phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam ổn định, bền vững, giảm thiểu tác hại đến môi trường và các hệ sinh thái biển. Chưa kể, khi các địa phương quy hoạch được vùng nuôi cụ thể, thì sẽ khắc phục được tình trạng nuôi tự phát, mạnh mún, lạc hậu.
“Các doanh nghiệp có năng lực sẽ làm nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức cung ứng dịch vụ cần thiết cho hợp tác xã, ngư dân và các doanh nghiệp khác thuê hạ tầng để tiến hành nuôi biển theo phương thức công nghiệp theo hướng bền vững, đạt được sản lượng hàng hoá lớn, có kiểm soát, được chứng nhận về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, giảm thiểu đến tác hại đến hệ sinh thái biển”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần phải có một diễn đàn với sự tham gia của 28 tỉnh, thành ven biển và 6 bộ, ngành liên quan. Trong đó, nhiệm vụ của 28 tỉnh, thành khi tham dự phải hiểu bài, có quy hoạch chi tiết cụ thể để giải quyết tận gốc của vấn đề.
Nếu các địa phương làm được điều đó thì đây chính là giải pháp đột phá để cơ cấu lại tổ chức sản xuất, phát triển nuôi biển thành ngành kinh tế sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thu hút đầu tư phát triển nuôi biển ở vùng biển mở, xa bờ, đóng góp quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành thuỷ sản. Đồng thời, đây là tiền đề để phối hợp nuôi biển gắn với du lịch, điện gió, dầu khí, đóng tàu, kết hợp với quốc phòng, an ninh.
>>Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản: Không chỉ vì IUU, EC mà vì ngành thuỷ sản bền vững
TS. Trương Quốc Thái – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III, cho rằng nuôi biển là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng của Việt Nam với diện tích mặt biển lớn, có nhiều đảo, vịnh... đã được hình thành và phát triển tại hầu hết các tỉnh, thành ven biển, trải dài từ miền Bắc vào miền Nam (28 tỉnh, thành phố ven biển). Bên cạnh đó, mỗi vùng, miền đều có những thế mạnh riêng để nuôi biển. Chẳng hạn, ngao và hàu ở Quảng Ninh; nghêu tại Nam Định, Thái Bình, Bến Tre, Trà Vinh; tôm hùm Phú Yên và Khánh Hoà...
“Nghề nuôi biển của chúng ta đang ở giai đoạn đầu, trình độ còn hạn chế, manh mún, tự phát và đang bộc lộ nhiều bất cập từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ, từ con giống đến thức ăn, từ công nghệ nuôi đến thiết bị. Do đó, để hướng đến nuôi biển quy mô công nghiệp, công nghệ cao, nuôi biển nước ta cần phải đi tiếp một chặng đường mới với quyết tâm cao của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là 28 địa phương có đường bờ biển”, TS. Trương Quốc Thái nhấn mạnh.
Có thể nói, đặc điểm nổi trội của nghề nuôi biển là chịu ảnh hưởng rất lớn về điều kiện nuôi như nguồn nước và môi trường sinh thái xung quanh. Nuôi biển xa bờ lại khó khăn hơn nữa như sóng và gió to, dòng chảy xiết, độ sâu lớn, nên đòi hỏi trang thiết bị và công nghệ nuôi hiện đại, vốn đầu tư lớn. Do đó, trong nuôi biển, con giống có vai trò rất lớn quyết định thắng lợi hay thất bại của vụ nuôi. Công nghệ sản xuất giống phục vụ nuôi biển trong những năm qua có những bước phát triển về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn chưa chủ động kiểm soát hết về chất lượng lẫn số lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ; mùa vụ, kích thước giống thả nuôi, vùng nuôi cho từng đối tượng…
Theo TS. Trương Quốc Thái, để phát triển nghề nuôi biển thành công, trước hết cần quy hoạch vùng nuôi ở các khu vực cần phát triển. Song song với đó, đầu tư công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giúp quản lý việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát về chất lượng, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ sở nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển. Trong đó, nguồn vốn và cơ chế chính sách của Nhà nước cần nhịp nhàng và có lộ trình, như có chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (từ 30-50 năm) cho chủ đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
12:30, 15/05/2024
03:00, 06/05/2024
15:08, 01/05/2024
04:28, 27/04/2024