Mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào, nhưng nhiều ngân hàng vẫn chạy đua tăng lãi suất để huy động vốn.
Lãi suất huy động diễn biến trái chiều
Còn nhớ không ít chuyên gia đã dự báo rằng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm trở lại khi dòng tiền sẽ chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng dịp sau Tết. Thế nhưng trái với dự báo của giới chuyên gia, không ít nhà băng vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động.
Đơn cử như Techcombank, ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi (tức ngày 11/2), nhà băng nay đã đưa ra biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng từ 0,1-0,3% tại hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng tăng 0,1% lên 4,8%/năm. Tương tự, lãi suất 3-5 tháng hiện là 5%/năm; đặc biệt lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được đẩy lên 6,3%/năm, tăng 0,4%; lãi suất huy động kỳ hạn 7- 11 tháng cũng được nâng thêm 0,1% lên 5,9 – 6,0%/năm.
MBBank cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn 13- 18 tháng từ 6,9%/năm lên 7,2%/năm, trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn khác.
Thậm chí có khá nhiều nhà băng còn “tranh thủ” tăng lãi suất ngay trước khi nghỉ Tết Kỷ Hợi. Từ 21/1, LienVietPostBank đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm 0,2% so với tháng 1/2019 tại toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. BacABank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 0,4% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, áp dụng từ 23/1. Đây là lần tăng lãi suất lần thứ 3 của BacABank từ giữa tháng 8/2018 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 21/02/2019
05:01, 15/02/2019
11:01, 10/12/2018
04:01, 07/12/2018
12:00, 19/10/2018
Mặc dù sau Tết cũng có một vài ngân hàng giảm lãi suất, nhưng số này không nhiều và mức giảm cũng không lớn. Đơn cử như VietinBank giảm lãi suất huy động 0,3% ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng về còn lần lượt 5,5%/năm và 6,8%/năm. BIDV cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm…
Hiện lãi suất huy động được phân hóa thành 3 khối rõ rệt. Khối các NHTM Nhà nước có mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất; tiếp đó là khối các ngân hàng TMCP lớn như ACB, Sacombank... Trong khi các ngân hàng TMCP nhỏ có mức lãi suất huy động cao nhất. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng được các nhà băng nhỏ neo kịch trần 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,6%/năm; 9 tháng là 7,9%/năm; 12 tháng là 8,1%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm và từ 24 tháng trở lên là 8,6-8,7%/năm.
Lãi suất tăng vì đâu?
Nói là các ngân hàng thiếu thanh khoản cũng không đúng bởi hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào, một phần nhờ dòng tiền nhàn rỗi đang chảy mạnh vào các ngân hàng sau Tết; phần khác là do NHNN tiếp tục cung tiền đồng để mua vào ngoại tệ. Một chỉ báo rõ nhất cho thấy thanh khoản của hệ thống dồi dào là lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh và NHNN đang hút ròng tiền về.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 18-22/2/2019, NHNN đã hút ròng về 72.380 tỷ đồng qua kênh OMO, khiến tổng lượng vốn bơm ròng qua kênh OMO và tín phiếu đã giảm mạnh xuống mức 42.815 tỷ đồng vào cuối ngày 22/2 từ mức đỉnh 168.771 tỷ đồng sau phiên ngày 12/2. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng trong tuần vẫn giảm khá mạnh. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm giảm từ mức 4,65% xuống còn 4,05%; kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt giảm xuống 4,05% và 4,15% từ mức 4,65% và 4,45% của tuần trước đó.
Nói các nhà băng đang hút vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng trong năm cũng không phải khi mà năm nay NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14% - thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thậm chí theo các chuyên gia ngân hàng, hạn mức này cũng chưa chắc đã đạt được khi mà ưu tiên số một của các nhà băng trong năm nay là tăng vốn để đáp ứng Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Nếu không tăng được vốn, sẽ có không ít nhà băng buộc phải thu hẹp bảng tài sản, chứ nói gì đến việc tăng tín dụng.
Tín dụng tăng thấp thì vì lý do gì mà các nhà băng phải chạy đua hút vốn bằng lãi suất? Xem ra chỉ còn một lý do khả dĩ nhất, đó là để tuân thủ tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được giảm về còn 40% từ đầu năm. Quả vậy, điểm danh các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay cũng là những nhà băng có tỷ trọng tín dụng trung – dài hạn ở mức khá cao.
Chẳng hạn như VPBank- nhà băng đang có mức lãi suất huy động cao nhất nhì trên thị trường hiện nay - có thể thấy rõ điều đó khi tín dụng trung – dài hạn chiếm tới 63% tổng dư nợ của VPBank. Hay như Techombank, tỷ trọng tín dụng trung – dài hạn của nhà băng này cũng lên tới 62,89%; LienVietPostBank là 69,73%. Thậm chí tỷ trọng này tại VIB lên tới 84,6%...
Trong khi đó, tỷ trọng này tại nhóm các ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay cũng khá thấp: Vietcombank chỉ là 45,52%, VietinBank là 43,44%, ACB là 42,29%...
“Tỷ trọng tín dụng trung – dài hạn lớn cũng có nghĩa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lớn khi mà nguồn vốn huy động của các nhà băng hiện chủ yếu là ngắn hạn”, một chuyên gia bình luận và nhấn mạnh, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay trung dài hạn cao sẽ thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thanh khoản nên áp lực huy động vốn để đảm bảo thanh khoản cũng lớn hơn rất nhiều.