Bên cạnh nỗi mừng về việc các dự án đã được kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn tránh thất thoát lãng phí thì còn đó không ít nỗi lo.
>>Đủ lý do "chậm" tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Cuối năm, tôi nhận được nhiều giấy mời dự hội nghị, hội thảo, tập huấn tổng kết cuối năm của các đơn vị, cơ quan. Đi tham dự thì nhận thấy nội dung sự kiện này hoàn toàn có thể chỉ gửi tài liệu đọc là đủ hiểu, không cần thiết phải tổ chức tại hội trường với màn văn nghệ chào mừng hoành tráng, tiệc trà cao cấp, tiệc chiêu đãi toàn cao lương mỹ vị đắt tiền, trong hoàn cảnh kinh tế chung đang khó khăn.
Một lãnh đạo vừa lấy đồ ăn vừa rỉ tai tôi: "Bắt buộc phải vẽ ra các chương trình này để tiêu bớt tiền đi, dự toán xin rồi giải ngân làm sao hết kịp. Không tiêu bớt đi được sang năm làm sao làm được dự toán xin được tiền. Trả về ngân sách sẽ bị đánh giá ngay về năng lực. Đây là cơ quan nhỏ đấy, còn các ban quản lý dự án tiền còn cả đống, chả cách nào giải ngân kịp đâu mà hết năm rồi".
Ra vậy. Tôi nhẩm tính, chi phí mời ca sĩ hạng sao, dàn nhạc nổi tiếng như vậy sẽ tốn không hề ít tiền mà hiệu quả của sự kiện chỉ như buổi liên hoan. Còn các công trình trọng điểm các dự án mang lại lợi ích cho quốc kế dân sinh thì lđang bị chậm trễ, lù lù như hòn đá tảng ngăn lại dòng chảy kinh tế đang cuồn cuộn chảy.
Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế như ngấm đòn sau các chính sách về phong toả, cách ly… Nền kinh tế tư nhân bị suy giảm nghiêm trọng từ việc thiếu đơn hàng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa sụt giảm do người dân thắt chặt chi tiêu. Việc thúc đẩy các dự án đầu tư công là giải pháp cho nền kinh tế, các công trình dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tạo sức hút dòng tiền luân chuyển, tạo việc làm và thu nhập cho công ty, người lao động thuộc lĩnh vực vệ tinh, giống như cục nam châm hút mạt sắt về một hướng duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt hiệu quả, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao. Chính phủ cũng lập tổ công tác, tháo gỡ khó khăn, đồng thời là đôn đốc giám sát để thúc đẩy các dự án đầu tư công. Thế nhưng, ước tính đến tháng 11/2023 tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 65.1% trong gói dự toán gần 700 ngàn tỷ đồng. Và đến thời điểm này, có thể kết luận mục tiêu 95% khó mà có đạt được.
Nguyên nhân thì có nhiều, nào là vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, việc giá bất động sản biến động với biên độ cao làm khó cho công tác tạo mặt bằng sạch cho dự án.
Công tác chuẩn bị cho dự án còn sơ sài, nhiều cơ quan, đơn vị cố xin cho được dự án kiểu “nhận suất chờ lân” để có dự toán từ ngân sách, kiểu sợ mất phần, còn đến khi thực hiện dự án mới bắt đầu đủng đỉnh khảo sát lên khuôn. Nếu dự án từ nguồn vốn vay thì còn cần thẩm duyệt từ nguồn cho vay cũng góp phần kéo dài thời gian khảo sát.
>>"Dồn lực" đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Việc lựa chọn nhà thầu thi công dự án vẫn còn tạo cửa cho doanh nghiệp sân trước, sân sau để được chia lợi ích từ dự án. Nếu bị kiểm soát làm chặt không còn cơ hội kiếm lợi thì lấy cớ trì hoãn để ngâm dự án chờ cơ hội. Thể chế và cơ chế chính sách còn nhiều điểm bất cập, khó tiếp cận khi dự án triển khai cũng tạo thành một rào cản, hoà với rào cản trong chính lòng người chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Lo gặp sai phạm khi thực hiện dự án, lo làm mà không được gì. Chính những điều đó tạo nên sự chậm trễ trong việc giải ngân nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công.
Bên cạnh nỗi mừng về việc các dự án đã được kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn tránh thất thoát lãng phí thì còn đó không ít nỗi lo.
Sau khoảng thời gian điều phối cho lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, hút tiền về ngân hàng thì giờ đây Chính phủ đưa chính sách giảm mạnh lãi suất tiền gửi và tiền vay ngân hàng, làm cho người sở hữu nguồn vốn nhàn rỗi hoang mang không muốn gửi vào ngân hàng mà tháo chạy sang vàng hay dạng tài sản khác, không có tác dụng kích thích luân chuyển dòng tiền, dòng chảy kinh tế.
Việc đưa ồ ạt tiền ra thị trường khi kinh tế suy thoái thực sự sẽ làm tăng lạm phát trong khi tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng như hàng xuất khẩu trì trệ, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng bị ngân hàng rút ống thở là sập.
Sức tiêu thụ hàng hoá nội địa cũng giảm sâu dẫn đến doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay tiền vì “vay để làm gì?”, doanh nghiệp cần vay để duy trì thì lại đến hạn đáo hạn và không đủ điều kiện.
Tiền cho đầu tư công thì thu hồi vốn chậm, nếu là công ích hay hỗ trợ phát triển về cơ sở hạ tầng thì không biết ngày nào mới hoàn vốn, trong khi vốn đó đi vay chịu lãi thì thật là lo nhiều hơn mừng.
Đầu tư công có thể hiểu như gia đình ở quê có ruộng, mấy người con đi làm xa ở thành phố nay hết việc về quê, cả nhà bảo nhau bỏ ruộng, đào ao nuôi tôm. Nhưng lại lo tốn kém chi phí đào ao, mua giống còn tôm thì phải nuôi và chờ đến lúc lớn mới bán và thu hồi vốn được. Vậy khi nào tôm mới lớn mới bán được giá để thu lại tiền? Quả là thấp thỏm mừng, lo.
Có thể bạn quan tâm
05:44, 20/12/2023
10:08, 19/12/2023
11:38, 17/12/2023
00:06, 11/12/2023
01:00, 10/12/2023
11:17, 07/12/2023
00:30, 05/12/2023
12:32, 27/11/2023