Cần nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ Tài chính vừa công bố về tình hình giao, phân bổ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2024. Theo đó, kế hoạch năm 2024 đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là gần 670.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm: vốn ngân sách Trung ương (NSTW) là hơn 236.000 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là hơn hơn 432.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, năm 2024, kế hoạch vốn cân đối NSĐP của các địa phương được giao tăng so với kế hoạch Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là hơn 51.000 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn các năm được cho phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là hơn 54.000 tỷ đồng, trong đó, NSTW là hơn 32.000 tỷ đồng (theo ngành lĩnh vực là hơn 27.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu Quốc gia là hơn 5.100 tỷ đồng), NSĐP là gần 22.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 (kế hoạch Thủ tướng giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là gần 775.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng 31,61% tổng kế hoạch được giao.
Hiện tại vẫn còn 19/44 bộ, cơ quan Trung ương và 28/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là hơn 21.115 tỷ đồng (chiếm 3,16% kế hoạch được giao).
Trước thực tế này, tại phiên họp Chính phủ chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.
Thủ tướng giao các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).
Đồng thời, khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15/8/2024.
Có thể khẳng định, đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công thường chậm, kéo dài nhiều năm.
Với quan điểm vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân đã được nêu rõ trong Thông báo 511/TB-VPCP 2023 kết luận tại Hội nghị đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời; năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu thi công, nhất là với các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Luật Đầu tư công cũng đã quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công. Tuy nhiên, việc cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu cần được tăng cường hơn nữa. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải lĩnh hội tinh thần này một cách nghiêm túc, trách nhiệm cao.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của Nhân dân. Do vậy cần phải phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn nữa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công; hoàn thiện chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có vậy, kế hoạch giải ngân năm 2024 mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.