Quảng Nam xác định khâu đột phá là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh giản các thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh,.. để đạt mục tiêu đã được Thủ tướng phê duyệt
Không phải đợi đến khi đệ trình Chính phủ bản Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Quảng Nam mà trước đó hàng chục năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đồng lòng vượt qua khó khăn và quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp và phát triển bền vững tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên.
GDP bình quân đạt 9.100 USD vào năm 2030
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, cho biết, ngay khi tỉnh Quảng Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đệ trình Chính phủ và được Thủ tướng xem xét phê duyệt.
“Nhiều năm trước tất cả kế hoạch tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chúng tôi xác định, đến năm 2030 Quảng Nam là một trong những tỉnh phát triển của vùng và cả nước, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trung bình khoảng 10,5% giai đoạn 2021 - 2030, GRDP/người đạt mức trên 9.100 USD vào năm 2030”, ông Thu nói.
Tạo bước đột phá kiểu Quảng Nam
Tại Hội thảo: “Phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0” vừa diễn ra tại Quảng Nam, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết: với những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là ăm 2017, PCI của Quảng Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh thành đạt điểm số cao nhất trong 13 năm xếp hạng PCI - nằm trong TOP 12/63 tỉnh thành có mức độ cải thiện về PCI so với PCI gốc. Nhờ đó, hiện nay, Quảng Nam có hơn 6.000 DN đang hoạt động; có hơn 167 dự án FDI với tổng vốn thu hút 5,8 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn FDI thu hút, đứng thứ 2 về tổng số dự án. Bình quân vốn/ 1 dự án của Quảng Nam đạt 34,7 triệu USD gấp 3,89 lần bình quân của TP Đà Nẵng.
“Đây thực sự là những con số ấn tượng đặt trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp nước ta có xu hướng nhỏ hóa. Tình trạng doanh nghiệp mãi không lớn và không muốn lớn. Nền kinh tế Việt Nam thiếu vắng những doanh nghiệp cỡ vừa để “vừa đủ lớn để hiệu quả, vừa đủ nhỏ để linh hoạt” đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia. Có thể nói rằng, Quảng Nam đang có cộng đồng doanh nghiệp có quy mô, năng lực cạnh tranh tương đối cao so với các địa phương khác. Cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đã, đang và sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Quảng Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh.
Về phía mình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: với tinh thần “đồng hành cùng DN”, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành,.. đã có nhiều chương trình hành động và giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các DN như: thành lập Trung tâm Hành chính công, thành lập Cổng thông tin hỗ trợ DN - www.htdn.ipaquangnam.gov.vn, tổ chức chương trình “cà phê doanh nhân” nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, thực hiện sứ mệnh “chuyển từ chính quyền quản lý sang phục vụ” để từ đó phục vụ DN tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam xác định sẽ cải cách không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, linh hoạt và phù hợp hơn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng; hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án;…
“Ở Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ các nhà đầu tư mà sẽ chủ động tìm nhà đầu tư. Chúng tôi cam kết rằng Quảng Nam luôn xem thành công của DN là thành công của Quảng Nam; luôn luôn đồng hành, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư đến với Quảng Nam”, ông Thu nhấn mạnh
Trưởng Ban Khu Kinh tế mở Chu Lai Đổ Xuân Diện thì khẳng định: Đến thời điểm này, đã có những nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đầu tư vào khu vực ven biển với tổng nguồn vốn hơn 12 tỷ USD. Đó là chưa kể đưa sân bay Chu Lai trở thành sân bay trung chuyển của cả nước.
Để tạo bước đột phá theo kiểu Quảng Nam, ông Diện nhấn mạnh là cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh giản các thủ tục hành chính ở tất cả các cấp theo các quy trình thống nhất, minh bạch, tăng cường năng lực cạnh tranh cho tỉnh. “Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển theo mô hình Khu kinh tế tổng hợp với đầy đủ hạ tầng sân bay, cảng biển, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất,... Phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trong đó lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao”, ông Diện nói.
Những kế hoạch, giải pháp của tỉnh Quảng Nam được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam, Giám đốc Vietcombank Quảng Nam cho biết: thời gian qua, cùng với sự cố gắng nỗ lực của chính quyền và các sở ban ngành, Quảng Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển DN. Không chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các DN của Quảng Nam còn được tạo điều kiện tối đa để DN phát triển, thể hiện bằng việc số lượng và quy mô DN ở Quảng Nam ngày càng tăng lên nhanh chóng.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với những tiềm năng, lợi thế cùng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, trong thời gian tới, các DN Quảng Nam sẽ lớn mạnh không ngừng và trở thành những DN hùng mạnh, đưa Quảng Nam trở thành một tỉnh văn minh và hiện đại”, ông Việt Nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, Ông Phạm Văn Tài PTGĐ Thường trực Thaco Trường Hải - Phụ trách sản xuất tại Chu Lai cho rằng Quảng Nam là địa phương đã có bước phát triển hết sức ngoạn mục trong thời gian qua, điều này thể hiện một chính quyền tiên phong và năng động, một bộ máy hành chính gọn nhẹ và hiệu quả đã tạo nên một môi trường đầu tư và kinh doanh hết sức thân thiện và hấp dẫn cho doanh nghiệp.
"Riêng về Thaco, chúng tôi đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai từ năm 2003. Đến nay, đã hình thành nên một Khu phức hợp có diện tích đất gần 600 hecta với tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện nay gần 30.000 tỷ đồng và tổng số nhân sự gần 8.500 người,... Trong năm 2016, tổng doanh thu gần 65.000 tỷ tương đương 3 tỷ USD, tổng nộp ngân sách 18.000 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam 14.350 tỷ đồng.
Từ doanh nghiệp nhỏ qua 14 năm đầu tư tại Chu Lai Thaco đã đạt được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành trung ương, sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền các cấp qua các thời kỳ tỉnh Quảng Nam. Do đó, bên cạnh các mục tiêu về kinh tế, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ cùng Quảng Nam thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa về tiềm năng của vùng đất Chu Lai này. Để Chu Lai, Quảng Nam xứng đáng vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung.", ông Tài cho biết.
Đó cũng chính là lý do mà ông Đinh Văn Thu khẳng định: đến thời điểm này và trong tương lai rất gần Quảng Nam đã và đang hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Một Quảng Nam trở thành động lực phát triển của cả vùng miền Trung-Tây Nguyên không còn là mơ ước.