Trước thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn, theo chuyến gia, việc đổi mới các quy định để khích lệ các loại hình mới như fintech là một giải pháp cấp bách.
>> Vốn tín dụng cho khởi nghiệp
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hiện lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam chiếm hơn 80% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, tạo nhiều công ăn việc làm nhất, đảm bảo sinh kế cho hàng triệu gia đình. Đáng nói, với hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhu cầu vốn kinh doanh là rất lớn.
Tuy nhiên, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, tiếp cận vốn tín dụng. Bởi hầu hết doanh nghiệp đi vay phải có tài sản bảo đảm đúng quy định pháp luật, trong khi điều này gần như là không tưởng đối với các cơ sở làm ăn nhỏ.
Mặt khác, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Nhiều ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại thiếu dữ liệu lịch sử hoạt động, khó thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, thiếu tài sản thế chấp dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Trước thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Fintech hàng đầu của Việt Nam như Momo, ZaloPay, Finviet… đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp. Đây được xem là một “con đường mới” giải “cơn khát vốn” cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động rất nhanh gọn, tiện lợi. Do đó, việc đổi mới các quy định để khích lệ các loại hình mới cung ứng dịch vụ tài chính như fintech là một giải pháp cấp bách.
>> Hành lang pháp lý nào cho Fintech?
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tài chính, thì việc đổi mới quy định đối với các loại hình mới tham gia cung ứng dịch vụ tài chính như fintech là giải pháp phù hợp.
Vì thế, ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung khổ pháp lý riêng biệt cho công ty fintech để cùng với ngân hàng truyền thống đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính tới tệp khách hàng một cách thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ số.
“Với tỷ trọng người dân Việt Nam tiếp cận Internet trên 80%, dư địa để tăng tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính là rất lớn” TS. Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện IDS nhận xét, việc thiếu vắng các quy định của pháp luật do chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung đang tạo ra khá nhiều rủi ro pháp lý và làm cản trở bước phát triển của doanh nghiệp fintech, nhất là khi tiến bộ của khoa học công nghệ diễn ra với cấp số nhân, tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ tài chính nghiên cứu, sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, để sớm chung tay giải “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, và hỗ trợ vốn đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế của Nhà nước.
“Tôi đề nghị trong chiến lược phát triển cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng biệt cho các công ty fintech, để các công ty tài chính công nghệ mới có cơ sở và động lực sớm ứng dụng sản phẩm tài chính công nghệ tiến tiến, nhanh bao phủ nhu cầu vay vốn đầu tư, sản xuất đến mọi đối tượng đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang rất yếu thế hiện nay”, TS Dương Quốc Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, thực tế, khoảng 50% tiểu thương thiếu cho biết, họ thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc quản lý tài chính không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, cần nâng cao khả năng quản lý và kiến thức tài chính, đào tạo và hỗ trợ tiểu thương về kỹ năng quản lý tài chính và kinh doanh. Đặc biệt là khuyến khích tiểu thương áp dụng công nghệ trong kinh doanh; tăng cường sự hỗ trợ từ các nền tảng fintech, như hợp tác với các công ty fintech để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, giúp tiểu thương tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời giảm bớt rủi ro từ các hình thức tín dụng đen.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp lâm, thuỷ sản khó tiếp cận vốn tín dụng
12:00, 23/04/2024
Doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng thông qua xếp hạng tín nhiệm
11:25, 01/04/2024
Doanh nghiệp địa ốc mong được tiếp cận vốn tín dụng với chi phí thấp hơn
12:53, 14/03/2024
Cần làm gì để tăng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp?
10:08, 14/03/2024
Doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn tín dụng bằng… công nghệ
01:30, 03/11/2023