Theo OneHousing, tính đến quý 2/2024, mặt bằng giá căn hộ toàn thị trường Hà Nội trung bình đạt khoảng 65 triệu đồng/m2.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, mức giá căn hộ tại khu Tây Hà Nội đã xấp xỉ 70 triệu đồng/m2, mặt bằng giá khu Đông chạm mức 56 triệu đồng/m2.
Việc các dự án thuộc phân khúc trung cấp được thay thế dần bằng các dự án cao cấp, hạng sang đã kéo mặt bằng giá trung bình của phân khúc này tăng mạnh nhất từ năm 2021 đến nay.
Mức giá cao có thể được lý giải từ sự sôi động của thị trường mua bán phân khúc này. OneHousing cho biết, tháng 7 vừa qua, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận 3.200 giao dịch chuyển nhượng, tăng 35% so với tháng trước đó.
Cũng dựa trên báo cáo của CBRE, giá chung cư Hà Nội trên thị trường sơ cấp đã thiết lập mặt bằng mới khi đạt trung bình 51,7 triệu đồng/m2. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ở thực vẫn tăng cao được cho là nguyên nhân chính của hiện tượng tăng giá trên.
Như ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng OneHousing chỉ ra rằng, nhu cầu mua nhà ở thực vẫn duy trì ở mức cao tại Hà Nội, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy thanh khoản tăng lên.
Trong số các sản phẩm tung ra thị trường mới đây, có tới 75% căn hộ đến từ các dự án đã mở bán trước năm 2024. Trong khi đó, chỉ có 4 chung cư mới được ra mắt trong quý 2/2024. Cũng bởi mức giá ở gần trung tâm tăng cao, người mua đang tìm kiếm các sản phẩm có giá phải chăng hơn ở ngoại thành. Nhưng ngay cả các dự án ở đó, mức giá cũng dao động từ 60 triệu/m2.
Có thể thấy, tốc độ tăng giá chung cư không ngừng từ đầu năm 2024 đã khiến nhiều người mua nhà không thể theo kịp, càng khiến nhu cầu ở thực trở nên khó đáp ứng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các chuyên gia trong ngành đã và đang nỗ lực tìm lời giải, trước mắt là thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội.
"Để giảm giá nhà chung cư ở Hà Nội cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ động điều tiết nguồn cung bằng cách sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất sạch giúp các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội ngay khi lập quy hoạch. Đồng thời, người dân phải có cơ hội được biết và tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, phát huy cao nhất giá trị sử dụng" - ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhận định.
Ông Đính cho biết, về lâu dài để ổn định giá nhà chung cư nói riêng và các sản phẩm nhà ở nói chung cần phải có sự tham gia quyết liệt từ phía Nhà nước. Trong đó, cần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực vệ tinh tới trung tâm thành phố, nguồn cung đến từ khu vực vùng ven sẽ kéo giảm giá nhà.
Việc ba bộ luật bất động sản mới có hiệu lực từ 1/8/2024 cũng tạo tác động tích cực, trước mắt là phần nào tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý vốn đang cản trở nhiều dự án bất động sản trên thị trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần giải quyết các khó khăn để xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phải chăng, từ đó mới gia tăng nguồn cung. Bởi hiện nay, người có thu nhập trung bình muốn mua nhà cũng không có nơi để mua do nguồn cung khan hiếm, trong khi phân khúc nhà ở cao cấp lại dư thừa.
Bên cạnh đó, giải quyết "bài toán" tín dụng và kích thích dòng tiền qua việc thúc đẩy các chính sách hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thực và giúp doanh nghiệp phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu này cũng là cách làm đang được nghiên cứu.
Dựa trên số liệu của Bộ Xây dựng, việc giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.