Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, việc thu hút khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức 2 con số, do đó, yêu cầu về tăng trưởng năng lượng là bắt buộc để đạt được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Trên thực tế, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết 55-NQ/TW cũng nêu rõ: “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.
Có thể thấy, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện là rất quan trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư, bởi các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, khung chính sách về đầu tư, khai thác và phát triển năng lượng chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn mở rộng hoặc tham gia thị trường; thủ tục hành chính phức tạp; sức ép từ các cam kết quốc tế về môi trường...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện cơ chế tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và có chính sách bảo lãnh phù hợp để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Nhung, Chuyên gia của Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” nhấn mạnh, cần giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
“Xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Phối hợp với Bộ Tài chính để chính thức hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng”, TS. Nhung đề xuất.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề xuất, ưu tiên vốn trong nước bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ nói chung, với trọng tâm đặc biệt vào dòng vốn xanh.
Đồng quan điểm, ThS Hoàng Phương Linh, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã xác định chiến lược phát triển ngành năng lượng theo hướng xã hội hóa, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong đầu tư, khai thác và phát triển nguồn năng lượng.
Để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào ngành năng lượng, theo ThS Hoàng Phương Linh, việc hoàn thiện cơ chế chính sách là yêu cầu cấp thiết. Điều này bao gồm việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định và có tính dự báo cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong đầu tư, khai thác và phát triển năng lượng. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, chẳng hạn như ưu đãi thuế, vay vốn lãi suất thấp, bảo lãnh tín dụng hoặc mô hình hợp tác công - tư nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Một yếu tố quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các chuyên gia về năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến. Song song với đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là các công trình hỗ trợ cho dự án năng lượng tái tạo, cũng cần được đẩy mạnh để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành”, ThS Hoàng Phương Linh chia sẻ.