Trước làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế công sang tư, Bộ Y tế đã đưa ra nguyên nhân và nêu một số giải pháp để giữ chân nhân lực cho ngành.
Sáng nay (24/3), tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế Quý I năm 2023, thông tin về làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế công sang tư trong các năm 2021-2022, theo Bộ Y tế trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân.
Nguyên nhân khởi nguồn làn sóng dịch chuyển nhân lực?
Nguyên nhân do một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập hoạt động hiệu quả chưa cao, đồng thời để tạo ra sự thay đổi ở khu vực công, đòi hỏi phải có sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dẫn đến một số nhân lực y tế không làm được như kỳ vọng.
Do đó, việc dịch chuyển nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư diễn ra khá tự nhiên, phổ biến ở các thành phố, đô thị lớn. Ranh giới công, tư dần không còn rõ nét. Làm việc ở khu vực công hay tư, nhân lực y tế đều có thể đóng góp, cống hiến cho công việc chuyên môn, làm công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Xu hướng xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ và sự tham gia của tư nhân ngày càng tăng lên, dẫn đến cạnh tranh trong thu hút nhân tài ngày càng gay gắt. Bệnh viện có nhiều bác sĩ làm toàn thời gian có bề dày kinh nghiệm, danh tiếng, bệnh viện càng uy tín, thu hút người đến khám chữa bệnh.
Yếu tố khiến nhân lực y tế gắn bó với tổ chức là tầm nhìn của cấp quản lý, của lãnh đạo; sự rõ ràng trong định hướng phát triển tổ chức, định hướng phát triển cá nhân và văn hóa trao quyền, trong tất cả những yếu tố trên, khối tư sẽ làm tốt hơn khu vực công.
Cạnh tranh về thu nhập không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết đến chuyển dịch nhân lực y tế, có trường hợp nhân lực y tế có chất lượng cao từ chối không về làm cho các đơn vị công lập dù cơ hội có thu nhập cao, thậm chí tốt hơn rất nhiều so với khu vực tư.
Một số nhân lực y tế cho rằng bộ máy các cơ quan, đơn vị công lập thường cồng kềnh, cách thức làm việc cứng nhắc, cơ chế đánh giá hiệu quả công việc chưa rõ ràng, năng lực, tâm huyết không được phát huy.
Một số nguyên nhân dịch chuyển nhân lực từ công sang tư được Bộ Y tế chỉ ra đó là: Áp lực công việc trong khu vực công cao; thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân; do áp lực của xã hội, gia đình và người thân…
Giải pháp nào giúp giữ chân lực lượng y tế?
Từ những nguyên nhân được nêu ra ở trên, để giữ chân nhân lực y tế khu vực công, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đưa ra một số giải pháp nhằm tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế.
Động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid- 19.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.
Huy động nhân lực từ các địa phương, đơn vị để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế nơi có dịch bệnh xảy ra huy động nhân lực y tế, kể cả nhân lực y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, những người đã nghỉ hưu, tình nguyện và đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên địa bàn để hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong phòng chống dịch bệnh.
Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.
Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.
Đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ viên chức ngành y tế.
Có thể bạn quan tâm
05:19, 20/03/2023
14:18, 24/03/2023
13:50, 24/03/2023
11:26, 06/03/2023