Theo Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam không phụ thuộc vào các gói kích thích mà sẽ phụ thuộc vào những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Mới đây, Các chuyên viên phân tích tại Credit Suisse Group AG đã hạ khuyến nghị với cổ phiếu Trung Quốc xuống mức “bán” vì cho rằng, thị trường của Trung Quốc có khả năng “giảm mạnh hơn” các thị trường khác, do thị trường nước này đã tăng mạnh hơn giữa đại dịch. Bằng chứng là, chỉ số CSI 300 đã lao dốc 15% kể từ khi chạm đỉnh 13 năm trong tháng 2/2021, trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, cổ phiếu Hồng Kông rơi vào giai đoạn điều chỉnh trong khi tổn thất trên thị trường Trung Quốc đại lục ngày càng sâu sắc. Đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ thông qua các quy tắc yêu cầu các công ty Trung Quốc và các công ty niêm yết nước ngoài khác phải nộp kiểm toán tài chính, hoặc đối mặt với sự đào thải khỏi Phố Wall.
Chỉ số Hang Seng giảm 1,5% trước khi đóng cửa yếu hơn 0,1% ở mức 27.899,61 vào giữa tuần trước. Điểm chuẩn đã giảm trong ngày 25/3, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 9/2019. Chỉ số Công nghệ Hang Seng cũng giảm 1,2%, trong đó, Tencent Holdings - công ty có giá trị nhất thị trường đã giảm gần 3%, đưa mức trượt lên 20% so với kỷ lục ngày 25/1. Mức giảm từ 10- 20% thường biểu thị sự điều chỉnh hoặc thị trường giảm.
Các cổ phiếu công nghệ khác cũng giảm mạnh. Điển hình là nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp mất 4,4% xuống 23,90 đô la Hồng Kông trong khi AAC Technologies giảm 1,1% xuống 39,65 đô la Hồng Kông.
Shanghai Composite và CSI 300 của cổ phiếu lớn nhất ở Thượng Hải và Thâm Quyến ghi nhận những khoản lỗ nhỏ, sau khi rút lui khoảng nửa điểm phần trăm. Chỉ số các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã giảm gần 1%.
Lý giải cho điều này, Peiqian Liu, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets ở Singapore cho biết, làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể hé lộ những thách thức từ việc rút lại các gói kích thích vì Trung Quốc là nước đầu tiên bùng phát dịch, cũng là nước đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh.
Thực tế, những bài học trong quá khứ đã góp phần thôi thúc Trung Quốc tập trung vào rủi ro được tạo ra bởi thanh khoản quá dồi dào từ cả trong lẫn ngoài nước. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã hồi sinh chiến dịch cắt giảm đòn bẩy và tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế tác động của "tiền nóng".
Ông Li-Gang Liu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Citigroup đã nêu trong báo cáo của mình rằng, việc rút lại các biện pháp hỗ trợ trong đại dịch là một trong những bất ổn lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế và thị trường tài chính của Trung Quốc.
Vậy cú tuột dốc của thị trường chứng khoán của Trung Quốc sẽ gây ra hiệu ứng thế nào, đặc biệt là với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời điểm này, cùng với bài học về thắt chặt chính sách tiền tệ. Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc (CMA) nhận định rằng, Trung Quốc là một thị trường mới nổi, có những sức hút rất lớn và có sự tác động đến các dòng tiền của nhà đầu tư bao gồm cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tất nhiên, những thị trường cận biên và thị trường mới nổi như Việt Nam cũng sẽ có sự ảnh hưởng nhưng không quá nhiều.
“Chúng ta đều thấy rằng, đà phục hồi kinh tế của Việt Nam đã tốt hơn, các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận khá ổn định, thì đương nhiên chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực như vậy, mặc dù còn chịu tác động của các yếu tố như vấn đề kĩ thuật của sàn, yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Trong những ngày vừa qua, thị trường có sự rung lắc nhẹ, song dòng tiền bị rút ra vẫn chưa đủ mạnh nên thị trường sẽ không thể giảm sâu”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.
Đồng thời, các gói kích thích hay hỗ trợ của Chính phủ cũng không có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Thứ nhất, các gói kích thích là nhằm hỗ trợ sản xuất chứ không phải kích thích vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua bài học ở giai đoạn những năm 2011- 2013 về nới lỏng tiền tệ và lạm phát, cho nên giai đoạn này, các gói cứu trợ do Nhà nước đưa ra sẽ rất cẩn trọng. Thứ hai, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam không phụ thuộc vào các gói kích thích mà sẽ phụ thuộc vào những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital nhận xét rằng, chỉ số VN-Index liên quan đến chỉ số Dow Jones của Mỹ nhiều hơn là các chỉ số khác trong đó có sàn Thượng Hải của Trung Quốc. Kể cả chỉ số Down Jones cũng phải có biến động cực kỳ lớn mới có thể gây sức ép lên thị trường chứng khoán Việt Nam, ở mức khoảng 5%/ngày, còn dao động bình thường ở mức 1- 2 % hoặc 5 % trong một tuần là không đáng kể.
“Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 5 % mà Việt Nam không ảnh hưởng gì. Vì thế, mức độ tương quan giữa sàn ở Việt Nam và Trung Quốc không quá lớn, trong khi cũng có rất ít quỹ của Trung Quốc tham gia vào thị trường Việt Nam nên sự liên thông khá hạn chế để có thể ảnh hưởng”, ông Lê Chí Phúc cho biết.
Có thể bạn quan tâm