Số lượng người “ngộp thở” nợ ngân hàng vì các khoản vay địa ốc đang ngày càng nhiều do tác động của dịch COVID-19.
Theo NHNN, dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012. Trong đó, tín dụng bất động sản (BĐS) nhà ở đạt 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Bước sang năm 2021, dư nợ tín dụng BĐS chung đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng.
Ghi nhận dữ liệu cho thấy dư nợ chủ yếu vẫn nằm ở tiêu dùng BĐS như nhà cho người thu nhập thấp hay phân khúc thị trường nhà giá rẻ... Ngược lại, tín dụng vào các lĩnh vực kinh doanh BĐS, đầu cơ BĐS hay phân khúc thị trường cao cấp… không cao. Do đó, dư nợ vay cá nhân đối với BĐS có thể đang chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng BĐS.
Và với đại dịch COVID-19 lần thứ tư, người vay mua nhà ở đã và đang rơi vào khốn đốn vì đòn bẩy tài chính ngân hàng. Vì vậy, Hiệp hội BĐS TP HCM đã nhiều lần kiến nghị các ngân hàng cần hạ lãi vay cho BĐS, trong đó có người vay mua nhà ở.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng các ngân hàng cần hỗ trợ người vay là đúng, song cũng phải xem xét và có hỗ trợ phù hợp. Theo ông Hiển, đã vay mua BĐS thì có bản chất đầu tư, khi BĐS tăng thì người mua được hưởng (trừ các nhóm vay mua nhà chính sách, nhà ở xã hội), vì vậy không thể đòi hỏi ngân hàng giảm lãi vay sâu cho các đối tượng đầu tư BĐS.
Nhưng cần nhớ rằng nếu ngân hàng “làm căng quá” mà khách hàng không trả nợ được do hoàn cảnh khó khăn khách quan hiện nay thì cái khổ của khách hàng sẽ quay lại thành nợ xấu ngân hàng. Do vậy, ngân hàng nên giãn trả nợ vay cho khách hàng vay mua BĐS khoảng 3 tháng, chứ không giảm lãi vay...
Theo đó, ngân hàng sẽ vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa trả được lãi cho người gửi tiền; và trong giai đoạn này đáp ứng được yêu cầu cần có dự phòng rủi ro mất tiền vay.
Có thể bạn quan tâm