COVID-19 đã và đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng truyền thống của các tập đoàn, nhu cầu thiết lập những giao dịch mới đòi hỏi phải xây dựng thỏa thuận nội bộ làm nền tảng càng trở nên cấp thiết.
Trước bối cảnh trên, Deloitte đã đưa ra những quan điểm đa chiều dựa vào kinh nghiệm và quan sát sự phát triển về giao dịch liên kết tại Việt Nam để giúp các nhà quản lý doanh nghiệp bao gồm Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính trong việc thảo luận ở các cấp độ vùng và tập đoàn.
Trong bối cảnh thông thường, người nộp thuế tại Việt Nam được khuyến nghị nên chuẩn bị và lưu trữ những chứng từ hỗ trợ nhằm chứng minh hàng hóa được chuyển giao phục vụ cho nhu cầu của bên mua hàng tại Việt Nam; Sự cần thiết và lợi ích kinh tế của các dịch vụ mua từ bên liên kết; Chi phí được tính phù hợp với nguyên tắc giá thị trường và được áp dụng nhất quán trong tập đoàn đa quốc gia.
Trong trường hợp thanh tra thuế, người nộp thuế cũng có thể được yêu cầu chứng minh thêm bản chất, chẳng hạn như năng lực về chức năng kinh doanh, quy mô, tài sản… của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp những dịch vụ này.
Ngoài những nội dung trên, các Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của các công ty tại Việt Nam cũng nên xem xét gì thêm từ góc nhìn liên quan đến giao dịch liên kết trong giai đoạn hậu đại dịch.
Hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là các công ty con của tập đoàn đa quốc gia và được phân loại là các doanh nghiệp chịu rủi ro hạn chế. Điểm cần lưu ý ở đây là những doanh nghiệp chịu rủi ro hạn chế không đồng nghĩa với phi rủi ro, có nghĩa là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể chịu tác động bởi các yếu tố không thể lường trước được trên phạm vi toàn cầu, ví dụ như COVID-19.
Nhìn chung, các công ty trong tập đoàn có thể phải chia sẻ thiệt hại ở mức độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập chính sách giá và thỏa thuận nội bộ trước khi giao dịch để ứng phó những thay đổi một cách nhanh chóng và chủ động nên được soát xét một cách kỹ lưỡng ở mức độ tập đoàn.
Các khoản phí cung cấp dịch vụ nội bộ từ nước ngoài, như tiền bản quyền thương hiệu tính cho doanh nghiệp có rủi ro hạn chế tại Việt Nam, có thể cân nhắc điều chỉnh giảm do dịch vụ có thể sẽ trở nên thiếu hiệu quả hơn so với năm trước đại dịch. Trong một báo cáo nghiên cứu của McKinsey về nhu cầu tiêu dùng vào năm 2009, năm mà kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn 2007-2008, một phần lớn người tiêu dùng đã chuyển thói quen mua hàng sang những thương hiệu ở phân khúc thấp hơn, dù họ vẫn ưa chuộng các thương hiệu ở phân khúc cao cấp hơn.
Vấn đề là dù giá trị của một thương hiệu có thể không thay đổi, nhưng trong thời điểm khủng hoảng, thương hiệu có thể sẽ không còn mang lại nhiều doanh thu cho các công ty bán hàng hoặc phân phối như bình thường. Do đó, phí bản quyền thương hiệu tính trên phần trăm doanh thu bán hàng trả cho các bên sở hữu thương hiệu nên được cân nhắc điều chỉnh giảm, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trong mọi trường hợp, các Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của các công ty tại Việt Nam đều được khuyến nghị tham gia một cách tích cực trong quá trình trao đổi thông tin toàn cầu, và nắm rõ những tác động đến doanh nghiệp từ góc nhìn của cả tập đoàn.
Hợp đồng thương mại giữa các bên độc lập luôn có những điều khoản bất khả kháng. Người nộp thuế đều được khuyến nghị, cùng với bộ phận pháp lý, xem xét lại những điều khoản này trong thỏa thuận với nhà cung cấp liên kết. Doanh nghiệp có thể xem xét kích hoạt các khoản bồi thường do tác động của đại dịch COVID-19, chẳng hạn như bên liên kết cung cấp nguyên liệu nước ngoài giao hàng trễ.
Ngoài ra, trên quan điểm pháp lý và thương mại, tiền phạt cho các khoản thanh toán chậm cũng có thể được xem xét và tận dụng triệt để. Theo Deloitte, tất cả những khoản này nên được lượng hóa và ghi nhận một cách rõ ràng trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Do môi trường kinh doanh hậu COVID-19 rất khó dự đoán, doanh nghiệp có thể cân nhắc nộp hồ sơ tiến hành thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với một số loại giao dịch liên kết, hoặc đối với kết quả hoạt động kinh doanh. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và thông lệ quốc tế, việc nộp hồ sơ APA giúp chính sách xác định giá nội bộ tập đoàn minh bạch hơn với Cơ quan thuế và tạo cơ sở tính thuế vững chắc cho cả doanh nghiệp và Cơ quan thuế.
Từ khi Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn nộp hồ sơ APA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ APA cho Chính phủ Việt Nam. Trong tương lai gần, khi hướng dẫn mới được ban hành, Deloitte cho rằng sẽ có những đột phá đối với cơ chế nộp hồ sơ áp dụng APA của Chính phủ Việt Nam, nhằm đảm bảo tình trạng thuế ổn định cho doanh nghiệp. Theo đó, các Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của các công ty nên thảo luận về việc áp dụng APA như một trong những cách thức để kiểm soát những yếu tố bất ổn có thể xảy ra cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giao dịch liên kết (Kỳ I): Kiểm soát rủi ro tiềm ẩn
05:00, 01/10/2020
Nghị định 68/2020/NĐ-CP: Giao dịch liên kết có được gỡ vướng?
05:05, 08/09/2020
Nghị định về chống chuyển giá... chưa phù hợp với giao dịch liên kết tại Việt Nam
04:42, 27/07/2020
Hoàn thiện chính sách quản lý giao dịch liên kết
17:01, 05/07/2020
Sửa đổi toàn diện quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết
00:00, 04/07/2020