Giao dịch trực tiếp với tiền mặt có thể khiến nguy cơ nhiễm virus corona tăng cao khi tiền mặt cũng có thể là nơi khu trú vi khuẩn, khiến nhiều người dân đã và đang hướng về thanh toán số…
Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch cúm Corona cũng có thể được xem là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt.
Đa kênh mua sắm điện tử
Trong ngày vía Thần tài, nhiều doanh nghiệp đã “đón trước” xu hướng ngại ra đường của người dân trong cơn đại dịch Corona, nên đã triển khai các chương trình đặt mua vàng online, giao hàng tận nơi. Chương trình mua vàng lấy lộc ngày Thần tài thời 4.0 của PNJ đã được hưởng ứng nhiệt tình bởi giới trẻ vốn rất quan tâm công nghệ số. Trên trang cá nhân của mình tại Facebook, doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ: “Dù không có ở nhà nhưng “thần tài” nhà PNJ của anh Lê Trí Thông vẫn gõ cửa nhờ vào khả năng…online. Tài lộc đầy nhà, chuột sa hũ nếp là thông điệp chủ đạo của năm 2020 nha!
Tinh thần lạc quan của Shark Hoàng Phi, người đứng đầu tổ chức dẫn dắt phong trào khởi nghiệp ở TP HCM trong bối cảnh dịch Corona đang bùng phát, có thể ví như “cơn gió mát lành” về tinh thần, đồng thời góp sức cho giao dịch online dù với các loại tài sản quý, trở nên sôi động.
Mua hàng online – thương mại điện tử, cũng đã và đang được người dân ở các khu vực thành thị có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong bối cảnh được khuyến nghị hạn chế tiếp xúc đám đông, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo an toàn chống dịch.
Giới chuyên gia khuyến nghị người dân vẫn nên hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, tránh tiếp xúc tiền mặt bằng cách qua vật trung gian (găng tay) hoặc khi không cần thiết để giữ vệ sinh và đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Corona.
Trần Thanh, một nhà khởi nghiệp bán sỉ lẻ các hàng tiêu dùng quy mô nhỏ chia sẻ với DĐDN trong 4 ngày qua, đơn vị anh đã phân phối được hàng chục thùng khẩu trang tới người tiêu dùng thông qua kênh đặt hàng duy nhất online. Do không “thổi giá”, cố gắng tìm mặt hàng giá hợp lý và đảm bảo chất lượng theo đúng quy định của khẩu trang y tế, hiện anh Thanh đang có những đơn hàng online lên tới 1 triệu khẩu trang nhưng chưa thể liên hệ trực tiếp đến các nhà sản xuất hay các nhà phân phối cấp 1.
“Với Trần Thanh, chúng tôi không xem đây là cơ hội để kinh doanh lời lãi lớn, nhưng đây là một điểm sáng của giao dịch mua sắm online, tạo thói quen cho người mua và uy tín cho người bán trong dài hạn”, anh Thanh nói.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 14/01/2020
06:16, 23/08/2019
11:00, 31/05/2019
06:06, 16/01/2019
Tiết kiệm online lên ngôi
Trong bối cảnh dịch Corona bùng phát, ngân hàng được đánh giá là một điểm sáng với “tác động có thể nhất thời nhưng cơ bản ổn định”. Thậm chí, nếu so với các kênh đầu tư thụ động đang chịu tác động giảm sâu của dịch Corona như chứng khoán, bất động sản, hàng không, du lịch…, thì ngân hàng đang trở thành kênh hút tiền nhàn rỗi nhất định.
Chị Trang Nguyễn, một cán bộ văn phòng tại TP.HCM cho biết mỗi năm gia đình chị có truyền thống gửi tiết kiệm đầu năm từ các khoản thưởng tích góp vào cuối năm và lì xì của các con dồn lại – gọi là của để dành đồng thời để lấy may. Năm nay, chị quyết định chọn mở tài khoản tiết kiệm online, vừa hạn chế giao dịch tiền mặt, vừa có thể được cộng lãi tiết kiệm khi chọn hình thức này, đồng thời tránh đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus Corona.
Khảo sát của DĐDN hiện tại, như thường lệ sau Tết, nhiều ngân hàng đều triển khai các chương trình tiết kiệm online với ưu đãi cộng lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng. Mức ưu đãi cộng thêm dao động từ 0,1- 0,3% / lãi suất tùy kỳ hạn của giao dịch tại quầy. Điển hình có thể kể đến chương trình tiết kiệm online lãi suất cộng thêm được ưa chuộng của ACB với + 0,3%/năm, SCB + 0,3%/ năm, VPBank +0,2%/năm, HDBank +0,1-03%/năm…
“Xu hướng gửi tiết kiệm online năm nay, ghi nhận bước đầu tuy có tăng lên, nhưng chưa hoàn toàn gọi là “bùng nổ”, một lãnh đạo Ngân hàng nhấn mạnh và cho biết, hiện tượng tăng lên mới chỉ là một phần bề nổi của lựa chọn gửi tiền nhàn rồi trong mùa dịch corona, vào lúc mà các kênh đầu tư đang hiện diện nhiều rủi ro.
“Việt Nam có hơn 40 triệu người dân có tài khoản, nhưng phần lớn vẫn tập trung ở thành thị, khu vực nông thôn tỷ lệ còn thấp. Hơn nữa, không phải tất cả hơn 40 triệu tài khoản đó hiện đều chọn thanh toán online. Để thúc đẩy người dân chọn thanh toán online như một kênh thanh toán chủ đạo qua các tổ chức thanh toán trung gian hay ngân hàng, các nhà cung cấp cấp dịch vụ vẫn rất “nhức não” và đây là câu chuyện của dài hạn”, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên cho biết.
Kỳ II: Ngân hàng và Fintech rộng đường đua?