Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạm dừng thanh toán tiền điện cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phía Nam với một số điều kiện có thể xem như đặt thêm “giấy phép con”.
>>>22/06 Tọa đàm: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển”
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Huy Hoàng, đại diện cho các doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN cho rằng, các doanh nghiệp đang hoang mang như bị “bỏ rơi” khi chót đầu tư.
Việc EVN tạm ngừng thanh toán tiền điện đối với các chủ đầu tư ĐMTMN, xuất phát từ việc các cơ quan chức năng 3 địa phương gồm: Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng “hệ thống ĐMTMN thuộc loại công trình xây dựng công nghiệp cấp IV, nên phải xin cấp phép xây dựng”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã liên hệ để được cấp phép thì ngành xây dựng lại trả lời rằng “không có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng đối với hệ thống đã lắp trên mái nhà xưởng, bởi công trình bên dưới đã có giấy phép xây dựng".
Vấn đề này đang khiến các doanh nghiệp không thể cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Nói cách khác là các điều kiện mà EVN áp đặt trong hoàn cảnh này như là “giấy phép con” để siết các nhà đầu tư mà không cần biết nhà đầu tư sẽ ra sao?
Trên thực tế, để đầu tư ĐMTMN hầu hết nhà đầu tư đều phải đi vay ngân hàng để thuê mái thực hiện dự án với doanh thu ổn định trên 200 triệu đồng/MW/năm thời gian qua. Việc EVN ngừng thanh toán, các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh nợ xấu, thậm chí phá sản. Do đó, các doanh nghiệp đã phải gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ.
Đang có sự hiểu nhầm giữa các cơ quan, vi dụ Công văn số 1531 ngày 22/4/2022 của Sở Xây dựng Bình Dương trả lời Công ty Điện lực Bình Dương. Trong đó có hướng dẫn: Hệ thống ĐMTMN là công trình xây dựng, loại công trình công nghiệp cấp IV, không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng. Văn bản này không phù hợp với thực tiễn của Hệ thống ĐMTMN đang tồn tại trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương, cụ thể:
Một là, hệ thống ĐMTMN hiện đang được lắp tại các công trình dân dụng (như nhà dân, khách sạn, bệnh viện, trường học, trụ sở doanh nghiệp…) có công suất dưới 1MW, theo hướng đẫn của Sở xây dựng đều thuộc các công trình xây dựng công nghiệp cấp IV và phải xin cấp phép xây dựng. Vậy thực tế hàng loạt các công trình Hệ thống ĐMTMN đang tồn tại ở các khu đô thị đều trái phép?
Hai là, hệ thống ĐMTMN hiện đang được lắp tại các khu vực cấm không qui hoạch các công trình công nghiệp thì tại sao vẫn cấp giấy phép xây dựng cho hệ thống ĐMTMN này?
Ba là, hướng dẫn của Sở Xây dựng chưa phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành (Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn) về Khái niệm công trình xây dựng được qui định tại Khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”.
Trước tiên, EVN tự coi mình như một cơ quan quản lý Nhà nước mà không phải là đối tác của các doanh nghiệp ĐMTMN. Từ đó, họ đã có sự nhập nhèm về khái niệm để làm khó nhà đầu tư. Hiện các nhà đầu tư không biết làm thế nào để được cấp các giấy phép, và đơn vị nào là cơ quan thẩm quyền để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu này.
Chính sách của mỗi địa phương khác nhau, EVN và chính quyền địa phương đẩy khó về cho nhà đầu tư là một dạng “cửa quyền”.
Một thực tế nữa là đa số các nhà đầu tư thực hiện ĐMTMN đã hoàn thiện và thực hiện bán điện từ năm 2020 -2021. Như vậy, EVN đã hồi tố các quy định mà hợp đồng mua bán điện trước đó đều không có.
Ông Đặng Sơn Hải - Phó giám đốc Sở Tn&mt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:Đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhà, ngoài tiêu chí về quy mô, loại hình thì phải xem dự án điện mặt trời đó có làm thay đổi nội dung đầu tư của dự án có nhà máy, nhà xưởng, kho bãi hay không. Nếu dự án điện áp mái trên những nhà xưởng, kho bãi đã có sẵn, không làm thay đổi mức đầu tư nhà xưởng, kho bãi thì không phải làm báo cáo đánh giá tác động. Ông Trương Công Vũ - Giám đốc Công ty CP Công nghệ năng lượng Toàn Cầu:Nhà xưởng là công trình xây dựng đã được cấp phép, tấm quang năng trên mái chỉ là thiết bị lắp đặt thêm. Do đó không thể coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng (khác với hệ thống mặt đất). Bên cạnh đó, đa số các nhà đầu tư thực hiện ĐMTMN và hoàn thiện và đã bán điện từ năm 2020 -2021 và quy định không yêu cầu các điều khoản này. Thế nhưng, EVN lại lấy quy định sau để áp cho quy định trước. |