Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu và đây được xem là yếu tố tiên quyết tạo ra “cần câu cơm” bền vững cho doanh nghiệp.
>>Để doanh nghiệp thành công bền vững
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Mai Anh Đức - CEO Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thuận Thiên Vượng, Chủ tịch BNI Bold chapter nhìn nhận việc giữ chữ tín trong kinh doanh là cực kỳ quan trọng, dù cho doanh nghiệp có ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Thưa ông, qua giai đoạn khó khăn do đại dịch cũng như bất ổn chính trị thế giới, chắc hẳn Thuận Thiên Vượng cũng gặp nhiều thách thức. Ông chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và cách mà Thuận Thiên Vượng đã vượt qua như thế nào?
Trước ảnh hưởng chung của nền kinh tế sau đại dịch và các xung đột trên thế giới, Công ty Thuận Thiên Vượng cũng chịu ảnh hưởng chung và gặp nhiều thách thức không nhỏ. Trước tình hình đó Công ty buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí để đảm bảo quỹ lương cho người lao động yên tâm công tác tại công ty.
Mặt khác, Công ty cũng tham gia các hội nhóm doanh nghiệp để mở rộng giao thương thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt công ty cũng đã tham gia hiệp hội các doanh nghiệp BNI – đây là tổ chức kết nối thương mại lớn nhất thế giới đã có mặt trên 79 quốc gia, hiện có mặt tại 32 tỉnh thành tại Việt Nam, để gia tăng các mối quan hệ từ đó thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững và đồng thời tiết kiệm và tối ưu các chi phí vận hành phát triển marketing. Từ đó xây dựng hình ảnh doanh nghiệp uy tín hơn trong cộng đồng các doanh nghiệp và trong xã hội.
- Với doanh nghiệp, chữ tín là thước đo thương hiệu của doanh nghiệp bởi khách hàng, đối tác có tin tưởng thì mới gắn bó lâu dài, vậy theo ông, việc giữ chữ tín trong kinh doanh được thực hiện qua những hành động cụ thể như thế nào?
Tôi đã và đang xây dựng công ty hướng tới một doanh nghiệp hạnh phúc dựa trên các giá trị cốt lõi của Công ty gồm đạo đức, chính trực, trách nhiệm và trách nhiệm xã hội. Một doanh nghiệp hạnh phúc theo tôi ở đó nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, khách hàng cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm của Công ty và chính tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã làm điều gì đó cho xã hội.
Chúng tôi đưa các giá trị cốt lõi của mình vào trong hoạt động kinh doanh hàng ngày và chúng tôi tin điều này sẽ giúp gia tăng sự uy tín, cũng như sự phát triển bền vững của Công ty trong sứ mệnh và tầm nhìn của mình.
- Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, việc giữ được chữ tín sẽ mang lại cho bản thân doanh nghiệp những giá trị như thế nào?
Nếu chữ tín trong cuộc sống quan trọng bao nhiêu thì trong kinh doanh, giá trị định đoạt của nó còn gấp nhiều lần hơn thế nữa. Với thị trường lớn, quy mô sản xuất kinh doanh càng lớn thì chữ tín càng có vai trò quan trọng hơn.
Có thể nói, doanh nghiệp có chữ tín là có tất cả. Chữ tín là thước đo thương hiệu của doanh nghiệp bởi khách hàng, đối tác có tin tưởng thì mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Đặc biệt, chữ tín trong kinh doanh được đặt ra như một chuẩn mực hình thành và phát triển thương hiệu. Để tạo được niềm tin cho khách hàng, trước hết người lãnh đạo doanh nghiệp phải tin vào chính mình trước bởi lẽ khi vào chính bản thân thì người lãnh đạo doanh nghiệp mới tự tin truyền được niềm tin cho khách hàng.
Việc giữ chữ tín sẽ mang lại sự phát triển trường tồn cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của của xã hội. Còn chỉ một lần mất tin thì... sẽ là vạn lần bất tín.
- Theo ông, doanh nghiệp làm thế nào để rèn luyện và cải thiện khả năng giữ chữ tín để phát triển bền vững, gia tăng cạnh tranh trên thị trường?
Như tôi nói ở trên để rèn luyện và cải thiện khả năng giữ chữ tín để phát triển bền vững, gia tăng cạnh tranh trên thị trường thì bản thân doanh nghiệp luôn tuân thủ các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (các giá trị cốt lõi là đạo đức, chính trực, trách nhiệm và trách nhiệm xã hội), xem đó là triết lý, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, luôn nghiên cứu và tìm hiểu sự thay đổi của thị trường để từ đó cải tiến và thay đổi sản phẩm, chất lượng dịch vụ để gia tăng sự cạnh tranh, đứng vững trên thị trường.
Việc xây dựng chữ tín của doanh nghiệp khó hơn việc xây dựng chữ tín cho một cá nhân. Bởi lẽ, tính chất của sự hứa hẹn là một thông điệp, là sự cam kết được bảo đảm bởi đạo đức và pháp luật trong sản xuất và kinh doanh.
Rõ ràng nhất, vật chứng của cam kết không chỉ là sản phẩm doanh nghiệp tạo ra mà còn là cách thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, khách hàng lựa chọn, hợp tác với doanh nghiệp là đã lựa chọn đặt lòng tin vào sản phẩm, đối tác.
Đặc biệt, với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội và thách thức song hành. Vì vậy, việc tạo dựng chữ tín lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn với bản thân mỗi doanh nghiệp.
Bởi lẽ, kinh doanh muốn phát triển được thì cần nhiều mối quan hệ hợp tác, liên kết. Và để cho các mối quan hệ, liên kết bền chặt thì phải giữ chữ tín, sự tin tưởng lẫn nhau. Có chữ tín, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được sự nghiệp bền vững, tạo giá trị và giữ mãi được “cần câu cơm”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm