Công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam cũng như là một trong những giải pháp để “giữ chân” FDI.
LTS: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đang nỗ lực để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy vậy, Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định chính sách thu hút FDI của các quốc gia rất rõ ràng, có trọng tâm và Việt Nam cần căn cứ vào đó để đưa ra những chính sách cụ thể của riêng mình.
Trong bối cảnh diễn biến của đại dịch phức tạp, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bày tỏ mong mỏi Việt Nam nói chung và TP HCM sớm kiểm soát được dịch bệnh, nếu không, e ngại sẽ có dự dịch chuyển nhất định về đầu tư ra khỏi Việt Nam.
Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội. Công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam cũng như là một trong những giải pháp để “giữ chân” FDI.
Trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc 5,6% dù khủng hoảng COVID-19 còn kéo dài. Phát huy kết quả ngoạn mục đạt được trong nửa cuối năm 2020, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,65% quý I và 6,61% quý II năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, cho dù hai đợt dịch COVID-19 bùng phát buộc các cấp có thẩm quyền phải áp dụng những biện pháp hạn chế nhằm kiềm soát đại dịch. Đợt bùng phát đầu tiên rơi vào khoảng tháng 1-2 nhưng được kiểm soát tương đối nhanh chóng do số lượng ca nhiễm và tử vong được giữ ở mức tối thiểu.
Làn sóng dịch thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4 và là đợt lây lan dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, với số ca nhiễm tăng mạnh từ dưới 3.000 ca cuối tháng 4 lên đến trên 150.000 ca vào cuối tháng 7/2021.
Việc phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mạnh tay hơn khiến cho chỉ số đi lại giảm mạnh và chỉ số về mức độ nghiêm ngặt của Chính phủ tăng cao, đến cuối tháng 7 đã quay lại gần sát mức được ghi nhận trong đợt cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 4/2020. Kết quả là số ca nhiễm hàng ngày dường như đã đạt đỉnh ở mức khoảng 7.000-8.000 ca từ giữa tháng 7 nhưng chưa thấy có dấu hiệu suy giảm.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng tổng gộp vững chắc của cả nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021 đã làm lu mờ kết quả chưa đồng đều giữa các ngành.
Nhìn từ góc độ chi tiêu, động lực tăng trưởng chính trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu là tiêu dùng trong nước đang phục hồi, và phần nhỏ hơn, là đầu tư tư nhân, đóng góp lần lượt ở mức 53,4% và 18,3% vào tăng trưởng GDP. Khu vực tư nhân trong nước đã thay thế cho khu vực nhà nước và khu vực kinh tế đối ngoại, hai khu vực đã đóng góp chính cho quá trình phục hồi trong nửa cuối năm 2020.
Chính phủ trở lại với chính sách tài khóa thắt chặt hơn vào đầu năm 2021, trong khi đóng góp của xuất khẩu ròng cho tăng trưởng giảm do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu.
Dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể đang chậm lại. Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc COVID-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% (so cùng kỳ năm trước), đạt 15,3 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm tới 45% từ tháng 4 đến tháng 6, có thể cho thấy tâm lý thận trọng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gần đây. Đáng chú ý trong dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tính cả tháng 7, có tỷ trọng vốn đầu tư ICT – công nghệ thông tin, số hóa đang tăng lên.
Tuy vậy, việc vốn FDI giảm tại Việt Nam đó cũng là xu hướng chung đang diễn ra ở các quốc gia có dịch bệnh trên toàn cầu và đó là bình thường. Chúng tôi không cho rằng FDI có xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra ngoài Việt Nam.
Tất nhiên Chính phủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh, củng cố nền tảng của mình và tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại, để tiếp tục là địa chỉ đầu tư giữ chân các nhà đầu tư quốc tế.
Vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh 11%
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ (tính đến ngày 20/7/2021). Tổng vốn đăng ký dự án mới đạt 10,13 tỷ USD, tăng 7%.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi lo dịch chuyển FDI
11:00, 23/08/2021
Thu hút FDI trong lĩnh vực cơ khí: (Kỳ 2) "Nuôi dưỡng" để đón sóng hội nhập
11:00, 11/08/2021
Thu hút FDI trong lĩnh vực cơ khí: (Kỳ 1) Kết nối doanh nghiệp "ngoại" và "nội"
03:30, 11/08/2021
Thu hút FDI vẫn trên tinh thần “trải thảm”
13:00, 10/08/2021
Vốn FDI 7 tháng "ngấm đòn" COVID-19
02:30, 28/07/2021
Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2021 (kỳ I): FDI tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng
04:15, 22/07/2021