Dù là mô hình hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cũng không quan trọng bằng việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh chủ.
Đây là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khi trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, khoác “tấm áo pháp lý mới” cho hộ kinh doanh là để hướng họ tới sự minh bạch và chuyên nghiệp. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp mới phải để hộ kinh doanh thấy “dễ thở”, cảm thấy được minh bạch pháp lý, được bình đẳng chứ không phải bị siết quản lý.
-Thưa Đại biểu, hiện có ý kiến cho rằng cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi?
Tôi lại rất đồng tình việc đưa khu vực hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Bởi, mặc dù số lượng là rất lớn, tới 5 triệu hộ nhưng nên đưa vào Luật để hộ kinh doanh với địa vị pháp lí đầy đủ sẽ cùng với doanh nghiệp có sự hài hoà, gắn kết, trực tiếp liên kết phát triển cùng nhau. Thực tế hiện nay, khu vực hộ sản xuất kinh doanh đóng góp cho GDP rất lớn, chiếm tới 30%, đồng thời, chính hơn 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh này đang giải quyết số lượng lao động không hề nhỏ, nên họ rất cần được pháp điển hóa trong hệ thống pháp luật khi tham gia các quan hệ kinh tế.
Mặc dù, hộ kinh doanh đã được đưa vào dự Luật, nhưng việc quy định như hiện tại cũng còn những điểm chưa hợp lý. Xét về quy định quy mô, trên thực tế, có những doanh nghiệp có vốn điều lệ rất ít, chỉ 5-7 người lao động. Trong khi, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh chỉ là hộ nhưng có vốn cao, số lao động lên đến cả trăm người, lớn hơn rất nhiều lần doanh nghiệp. Cách thống kê khu vực hộ kinh doanh như vậy thường bị “thất thoát” lọt chỗ này, thiếu chỗ kia nên dẫn đến không được ghi nhận cũng như không phản ánh đúng thực chất của kinh tế tư nhân vào GDP.
Cũng phải thẳng thắn rằng, thực tế nhiều hộ kinh doanh không muốn lên làm doanh nghiệp bởi phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế thay vì cơ chế khoán như hiện tại. Bên cạnh đó, từ vấn đề doanh nghiệp ngại không muốn lớn đã được rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bộc bạch thời gian qua do nguy cơ càng lớn thì càng bị các cơ quan “soi” nhiều, bị thanh kiểm tra nhiều cũng khiến các hộ kinh doanh nản lòng “lên đời” thành doanh nghiệp.
Do đó, không ép buộc hộ kinh doanh “thay áo” doanh nghiệp, mà sẽ phải khoác “tấm áo pháp lý mới” cho hộ kinh doanh bằng cách đưa khu vực này vào một chương trong Luật Doanh nghiệp để họ hoạt động minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn. Nhưng mục tiêu của quy định mới về hộ kinh doanh sẽ theo tinh thần giúp đỡ khu vực này hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế cũng như bản thân họ.
-Vậy “tấm áo pháp lý mới” này cần được quy định theo hướng nào để tránh nỗi lo phiền hà, phức tạp mà các hộ kinh doanh đang lo ngại, thưa Đại biểu?
Nếu xét về quy mô, hộ kinh doanh có thể được coi như một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Do vậy, không chỉ dự Luật Doanh nghiệp sửa đổi mà các luật liên quan cũng cần điều chỉnh để giúp khu vực này hoạt động ngày càng công khai, minh bạch, hài hoà với các loại hình kinh tế khác. Đề xuất của Chính phủ đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp, bởi vì họ cũng là một tổ chức sản xuất, kinh doanh với những quyền được pháp luật bảo hộ.
Khi đã đưa vào Luật Doanh nghiệp thì khu vực hộ sản xuất, kinh doanh sẽ bình đẳng về pháp luật với các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp, cho nên, tất nhiên cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ đăng ký, được giao kết hợp đồng kinh tế, được tuyển dụng lao động... Các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn, đất đai phải thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện, những cũng có thể dễ dàng kiểm soát, thống kê.
Tuy nhiên, việc đưa hộ sản xuất kinh doanh vào Luật cũng phải có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch từng khu vực đối với hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
02:27, 16/11/2019
00:40, 16/11/2019
18:12, 15/11/2019
04:50, 15/11/2019
16:49, 01/11/2019
- Cụ thể, dự Luật cần phân biệt thế nào đối với khu vực này, thưa Đại biểu?
Tương tự như chúng ta đang chia doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ... việc đưa hộ sản xuất kinh doanh vào dự án Luật Doanh nghiệp cũng cần tách bạch để có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp. Điều quan trọng trong tinh thần của luật là “mở” chứ không “thắt”.
Với những quy định có tính mở tại Dự Luật sẽ bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện… điều này khuyến khích hộ kinh doanh vươn lên tầm cỡ làm ăn có hiệu quả và chất lượng tốt hơn. Hộ kinh doanh sẽ được định danh để tham gia vào mắt xích chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những băn khoăn, rất nhiều ý kiến ghi nhận, hộ kinh doanh đang là một trong các thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Mục đích cuối cùng của việc sửa Luật là nhằm nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động của hộ kinh doanh, để họ tự nhận thấy chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn. Vì thế, đối với hộ kinh doanh, có thể điều chỉnh đối tượng này trong Luật Doanh nghiệp, nhưng không phải “đẩy” hết họ lên thành doanh nghiệp. Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang doanh nghiệp theo một quy luật tự nhiên vì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ đồng bộ và tốt hơn trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, thực tế hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp. Hiện vẫn đang thiếu cơ chế động viên, khuyến khích cá nhân thành lập hộ kinh doanh. Chúng ta cần khung pháp lý, cần củng cố khu vực này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán của hệ thống pháp luật. Các quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật về thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, việc sử dụng lao động, luật khoa học công nghệ… cũng cần thống nhất theo tinh thần hỗ trợ khu vực này thành lập và phát triển.
- Xin cảm ơn Đại biểu!
ĐBQH Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐB TP HCM):
Đưa hộ kinh doanh vào Luật, tức là phải tạo điều kiện cho họ trưởng thành và phát triển. Đơn cử, các hộ kinh doanh sẽ tiếp cận nhiều hơn với phương thức quản lý, tổ chức của một doanh nghiệp, trong đó có những định hướng như kinh doanh phải có tính chiến lược, dài hạn và ngắn hạn, minh bạch sổ sách của một doanh nghiệp sẽ phản ánh thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh... Hộ kinh doanh cũng sẽ dần cảm nhận được càng hướng đến hoạt động chuyên nghiệp càng có lợi. Chính vì vậy, nhà nước cần thông tin, tuyên truyền về tính ưu việt của loại hình doanh nghiệp để hộ kinh doanh dần nhận thức và tự hình thành việc cần thiết phải chuyển mình lên thành doanh nghiệp.
ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn đb tỉnh Bắc Giang):
Xét về mặt luật pháp, các chủ thể kinh tế phải bình đẳng trước pháp luật. Hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều là những chủ thể độc lập và bình đẳng trước pháp luật. Sẽ không có lý do gì để phân biệt giàu - nghèo, lớn - nhỏ. Với nhiều người, hộ kinh doanh thường rất “bé nhỏ” nên bị gạt ra thành một nhóm, doanh nghiệp lớn có “sân chơi” riêng. Chính sự bất bình đẳng này, khi đưa ra chính sách thường có sự thiên lệch khi ưu đãi chỗ này, lúc ưu đãi chỗ kia; lúc quản chặt chỗ này khi buông lỏng chỗ kia.