"Chữ ký trị giá triệu đô" không phải là chuyện hoang đường, nó là thật, thật đến mức dư luận không còn cảm thấy bàng hoàng!
Thử làm phép tính sơ bộ, lương Bộ trưởng từ 1/7/2019 mức kịch trần chính xác là 15,347 triệu đồng. Một nhiệm kỳ 5 năm chưa đầy 1 tỷ đồng. Nếu sống nhờ lương, Bộ trưởng cũng không hơn gì tầng lớp bình dân trong xã hội.
Mấy ngày nay, con số 3 triệu USD được nhắc đến rất nhiều, hẳn dư luận đã rúng động và thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Cũng tính sơ sơ là 69 tỷ đồng, bằng lương của bao nhiêu nhiệm kỳ Bộ trưởng?
Một lần nữa xin phép không chia nhỏ thêm nữa, bởi vì kết quả là con số không hề nhỏ. Không ai đủ sức khỏe, thời gian và tài năng để tại vì hàng chục nhiệm kỳ. Ngoại trừ khi ai đó cho không biếu không!
Tham nhũng khó chống, không chỉ vì “ta đánh ta”, “trong ta có địch, trong địch có ta” mà còn đủ muôn hình vạn trạng. Mở két lấy tiền chỉ là biện pháp cổ điển, “nắn dòng” chính sách được xem như nâng “level”.
Đu bám theo cổ phần hóa - môt chính sách anh minh, để theo đóm ăn tàn là loại hình tham nhũng đã được chỉ mặt đặt tên. Nhưng đến cả khi mang tiền ngân sách đi mua tài sản về phục vụ nhân dân cũng bị đục khoét thông qua chiêu bài “thổi giá”, mới thấy chống tham nhũng thật sự cam go.
Ba triệu Mỹ kim - số tiền đủ để điền tên vào danh sách triệu phú, sống xa hoa trong biệt phủ nguy nga, hẳn là thượng lưu lắm lắm. Nhưng số tiền ấy từ đâu ra, nếu không phải là nước mắt mồ hôi của nhân dân, nỗi cơ cực của phần còn lại? Hàng chục triệu người! Rất đông đấy quý vị ạ.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 31/08/2019
06:00, 24/08/2019
05:50, 17/08/2019
Cách đây 2 hôm (5/9) ngày hội đến trường của 20 triệu học sinh trong cả nước, bên cạnh những hình ảnh tráng lệ ở phố lớn vẫn cò nhiều khung hình xa xót ghi lại buổi lễ khai giảng ở vùng khó Nam Trà My - Quảng Nam.
Lấy lều làm trường, 34 học sinh hơn 20 kiểu trang phục, chân đất, những nét mặt ngơ ngác. Cứ hỏi ngành giáo dục và tỉnh nhà xem thử, nguyên nhân chính có phải thiếu tiền hay không?
Một năm học thật ngắn ngủi, nhưng đối với các em học sinh miền núi vùng sâu vùng xa nó dài đằng đẵng, bởi, cuộc hành trình đi tìm con chữ của các em là những chuỗi ngày rét buốt, thiếu thốn, cơm rau triền miên, hoặc nhịn đói đến trường.
Đến hôm nay rồi, giáo dục đặt mục tiêu “sánh bằng”, “vượt qua” nhưng tôi vẫn thấy những đôi chân trần gầy gò, những mái đầu rối bum, những khuôn mặt ngơ ngác giữa bãi đất trống trong ngày khai trường - kể cả người mơ mộng nhất cũng không thể gọi đó là “sân trường”. Xót thương cái nghèo lắm thay!
Bộ trưởng Nhạ trích câu ngạn ngữ tận châu Phi “Cần cả một ngôi làng để dạy một đứa trẻ” - để lẫy ra cái ý “cả xã hội chung tay làm giáo dục”. Vâng, đúng là như thế, chỉ mỗi thầy cô và viên phấn không thể nhào nặn ra con người với khuôn mẫu “chân - thiện - mỹ”.
Dịp khai giảng ông Nhạ nói: “năm học mới ưu tiên dạy NGƯỜI”. Nhưng thưa ngài Bộ trưởng! Khi cái ăn chưa no, lớp, trường không có, thiếu thốn trăm bề do thiếu ngân sách thì làm sao đủ bình tĩnh nghĩ đến những thứ xa xôi?
Và liệu rằng, muôn vàn môn học dạy kiến thức, hàn lâm như hiện nay có dễ dàng gạt bớt trong một năm học để ưu tiên cho những mảng miếng bồi bổ phần “NGƯỜI”, giảm phần “CON”.
Đó là giáo dục công dân, kỹ năng sống và làm sao để trả lại tuổi thơ cho con trẻ, bớt học chính, học thêm, học sáng, học chiều, học tối…học quanh năm!
Đất nước khó khăn đủ thứ, “ngân sách như dòng sông đã cạn”, lẽ ra phải tiết kiệm, biết xót thương sức vóc dân chúng. Thế mà còn những cá nhân lẽ ra phải liêm chính thì họ phản lại nhân dân một cách đắng cay.