Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ của nước ta, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đồng bộ về thể chế chính sách.
>> Hải Phòng: Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách trong phát triển khoa học và công nghệ nói chung, phát triển thị trường khoa học công nghệ nói riêng. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 và Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 và đến năm 2030.
Đến nay, thị trường khoa học và công nghệ dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận. Nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta vẫn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành, quá trình vận hành còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học (viện, trường) nhưng không triển khai được do còn tồn tại sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức...
>>Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực cảng biển, logistics
Đáng nói, dù nguồn cung công nghệ từ các viện, trường khá phong phú và đa dạng nhưng lượng hàng hóa khoa học và công nghệ từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn. Chỉ 0,3% doanh nghiệp lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 0,6% doanh nghiệp lựa chọn từ các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập.
Nguyên nhân chính là do phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện, trường còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành “hàng hóa” để có thể lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, các chính sách khuyến khích thương mại hóa, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ còn thiếu. Sự gắn kết, hợp tác bền vững giữa các viện, trường và các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Trước những hạn chế nêu trên, để phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong thời gian tới, không ít ý kiến cho rằng, cần phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện, trường với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, muốn phát triển thị trường khoa học và công nghệ không chỉ cần đồng bộ giữa cung và cầu mà còn đòi hỏi sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung.
“Trên hết, để phát triển được thị trường khoa học, công nghệ cần có sự đồng bộ về thể chế chính sách”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Trước nhu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg (ngày 5-10-2023) về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Theo ông Nghiêm, khi chính sách đã “đồng bộ” thì cần tới sự “hiệu quả” và “hiện đại” trong công tác triển khai, bao gồm hiệu quả trong sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; hiệu quả trong triển khai các chính sách liên quan đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực và công nghệ tiên tiến có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.
“Thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam ra đời muộn và đi sau thị trường bất động sản, vốn, lao động. Để phát triển đúng như kỳ vọng, chúng ta không chỉ phải phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, kiến tạo các chính sách vượt trội, thiết lập hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy sự vận hành hiệu quả, đúng quy luật... mà còn cần đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế”, chuyên gia này chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ.
“Chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 3 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào vận hành trong quý IV-2024; sàn Đà Nẵng đưa vào vận hành trong quý IV-2025, bảo đảm kết nối hiệu quả với các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Hiến kế thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp
17:15, 10/05/2024
Làm gì để khoa học công nghệ Hải Phòng cất cánh?
16:10, 02/05/2024
Hải Phòng: Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
14:08, 30/03/2024
Đà Nẵng sẵn sàng thí điểm chính sách mới, thành tựu khoa học công nghệ mới
02:47, 23/12/2023
Đà Nẵng trở thành điểm sáng trong phát triển thị trường khoa học công nghệ
22:47, 22/12/2023