Gỡ khó cho nhà đầu tư chiến lược vào DNNN

Phương Hà 10/06/2018 12:42

Việc thay đổi kế hoạch cổ phần hóa tại một số DNNN đã khiến không ít nhà đầu tư chiến lược tìm cách thoái vốn, nhưng vướng quy định hiện hành.

Bởi vậy, Bộ tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59, 189, 116. Việc Tập đoàn T&T xin rút lui sau khi thí điểm chuyển đổi Bệnh viện Giao Thông Vận Tải TW sang mô hình CTCP có nguy cơ dẫn tới tình trạng cổ phần hóa (CPH) bệnh viện này bị thất bại.

p/Tập đoàn T&T xin thoái vốn khỏi CTCP Bệnh viện GTVT, vì tiến trình cổ phần hóa bệnh viện này có nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu.

Tập đoàn T&T xin thoái vốn khỏi CTCP Bệnh viện GTVT, vì tiến trình cổ phần hóa bệnh viện này có nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu.

Nhà đầu tư chiến lược rút lui

Ngày 1/1/2016, Bệnh viện GTVT Trung ương chính thức hoạt động theo mô hình CTCP. Theo đó, 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT TW (vốn điều lệ 168 tỷ đồng) do Tập đoàn T&T sở hữu; 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; số cổ phần còn lại thuộc cán bộ, công nhân viên bệnh viện và tổ chức công đoàn. Tổng giá trị cổ phần mà Nhà nước thu về sau đợt IPO cuối năm 2015 là 116,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau hơn 2 năm hoạt động theo mô hình mới, Tập đoàn T&T xin thoái vốn khỏi bệnh viện này. Lý do là tiến trình CPH bệnh viện này hiện đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước CPH. Theo phương án ban đầu được phê duyệt thì Bệnh viện GTVT TW chọn hình thức CPH thông qua việc bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ. Sau khi bán 70% số cổ phần lần đầu, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng với giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện và bán ra phần vốn này để tỷ lệ vốn Nhà nước tại CTCP Bệnh viện GTVT chỉ còn 30%.

Tuy nhiên, tháng 5/2018 Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu CTCP Bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược T&T khẩn trương thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần vốn nhà nước được xác định theo lộ trình nêu trên như kết luận của Thủ tướng hồi tháng 4-2018. Theo đó, người đại diện vốn nhà nước tại CTCP Bệnh viện GTVT giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước sau tăng vốn, không thoái vốn như phương án ban đầu.

Như vậy, sau khi quyết toán dự án tòa nhà ODA tòa nhà bệnh viện, thì vốn điều lệ của CTCP Bệnh viện GTVT sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 278,4 tỉ đồng, tương đương khoảng 71,12% vốn điều lệ. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược T&T thay vì giữ gần 60% tổng số cổ phần sau điều chỉnh tăng vốn, sẽ chỉ còn gần 30% cổ phần.

Ngoài ra, sau 2 năm CPH, CTCP Bệnh viện GTVT vấp phải hàng loạt khó khăn do những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông mới với cán bộ, công nhân viên. Nhiều lần Bộ GTVT phải chủ trì các cuộc họp để giải quyết, song đều thất bại

Gỡ khó cách nào?

Ông Nguyễn Quyết Tiến - Cục trưởng CụcTài chính doanh nghiệp- Bộ Tài chính cho rằng, việc Tập đoàn T&T xin thoái vốn khỏi CTCP Bệnh viện GTVT, không còn là cổ đông chiến lược theo cách này cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử bán cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư.

Theo ông Tiến, theo quy định của Nghị định 59/CP2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP, thì nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày CTCP được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần trước thời hạn trên thì phải được ĐHĐCĐ chấp nhận. Do vậy, chưa biết được T&T có được thoái vốn hay không và thoái vốn theo cách nào. “Đây là một tình thế lưỡng nan mà chúng tôi cũng đang chờ những quyết định từ các Bộ, ngành liên quan để giải quyết”, ông Tiên cho biết.

Mới đây, để “làm mới” quá trình CPH DNNN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành CTCP, thay thế các Nghị định 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 116/2015/NĐ-CP. Dự thảo này nếu được ban hành sẽ khắc phục những bất cập hiện nay và mở ra hướng mới trong quá trình CPH, thoái vốn nhà nước.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh quy định bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược... Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm, thay vì 5 năm như quy định hiện hành và phải có phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực và có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký…

Ông Nguyễn Văn Hải, Chuyên viên thẩm định giá Cty AVA Việt Nam, cho rằng, cần bổ sung các chế tài thoái vốn khi nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng các yêu cầu đề ra trong Dự thảo Nghị định mới. Có lẽ T&T sẽ phải mất thời gian dài để có thể thoái vốn khỏi CTCP Bệnh viện GTVT, vì phải chờ ban hành Nghị định mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ khó cho nhà đầu tư chiến lược vào DNNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO