Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
“Trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung thêm rào cản mới làm khó doanh nghiệp, một số phương án cắt giảm còn hình thức…”.
Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong một hội nghị diễn ra mới đây. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, từ năm 2021 đến cuối 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật.
Qua đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, điều kiện kinh doanh đơn giản hơn, nhiều quy định vướng mắc được kịp thời sửa đổi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới.
>>Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Đáng chú ý, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính khiến việc triển khai các dự án bị kéo dài. Cùng với đó, việc cấp giấy phép phải qua nhiều bộ ngành, lòng vòng dẫn đến hoạt động bị đình trệ. Chia sẻ với báo chí về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực nêu thực tế, có những dự án chỉ cần 4, 5 sở giải quyết, nhưng hiện nay phải thông qua quá nhiều sở ngành. Thậm chí có những sở không phải trách nhiệm của mình nên khi trình lên thì bị trả lời chung chung.
“Có những dự án 1-2 năm không xong được, rất khó về thủ tục hành chính, cùng với đó là tổ chức quá nhiều các cuộc họp để xin ý kiến, không được lại vòng nữa, rất nhiều vòng… Thực trạng này đang tồn tại phần nhiều các tỉnh, thành”, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực thông tin.
Cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: “Về bất động sản để làm một dự án phải có khoảng gần 40 con dấu các thủ tục pháp lý thì mới ra được thủ tục cuối cùng. Và để có 40 con dấu thì thông thường doanh nghiệp nào làm nhanh thì mất khoảng 2 năm rưỡi, doanh nghiệp nào kém có khi 5-7 năm, thậm chí là 10 năm, như thế thì làm sao thúc đẩy được đầu tư. Tiếp đến mỗi một tỉnh quan niệm thủ tục đầu tư bất động sản theo một kiểu và sẽ có một hành lang, một quy định riêng. Đây là một vấn đề đã tồn đọng rất lâu”, ông Hiệp chia sẻ.
Cần phải nói thêm rằng, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, chuỗi Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục được Chính phủ ban hành. Nhờ vậy nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khoảng 3 năm trở lại đây, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại. Nhiều điều kiện, rào cản mới đang phát sinh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét và chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp…
Theo các chuyên gia dự báo, năm nay tình hình doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường phục hồi chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Do đó những giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là trọng tâm để cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
>>Sửa Nghị định 24/2012: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đề xuất, để tạo động lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong thực thi nghị quyết.
Theo bà Chi, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Quá trình thực thi nghị quyết phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ ngành được giao.
Những quy định nào đã có chỉ đạo thì bắt buộc phải làm ngay với thời gian hoàn thành và thời hạn cụ thể. Nếu không hoàn thành thì xử lý cán bộ thực hiện và người đứng đầu hoặc xem xét có được phép chuyển hồ sơ lên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ để được xem xét giải quyết hay không. Phải làm sao tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, bộ ngành phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình. Bà Chi cho rằng, có như vậy, việc thực thi nghị quyết mới hiệu quả.
Và với sự trở lại của Nghị quyết số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 mới đây, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào quá trình thực thi gắn với hiện thực hóa các mục tiêu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, thay vì chỉ hô hào, doanh nghiệp chờ đợi những hành động thực chất và quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sát cánh, tháo gỡ những vướng mắc đã và đang tồn tại gây ra những áp lực cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định 24/2012: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
03:50, 25/02/2024
Cải thiện môi trường kinh doanh - Chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
04:00, 21/02/2024
Khát vọng doanh nhân Việt: Môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng
04:00, 13/02/2024
Cần cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng
05:00, 25/01/2024