Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét đưa ra quyết định cuối cùng về việc có rút “thẻ vàng” cho thuỷ sản Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Trong tháng 10/2018, EC sẽ cử đoàn công tác sang kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được quản lý, không có báo cáo (IUU) tại Việt Nam trước khi có đoàn kiểm tra cuối cùng vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2019.
Chật vật xác nhận nguồn gốc nguyên liệu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc gần 100% container hải sản Việt Nam xuất đi EU đều bị hải quan nước sở tại giữ lại kiểm tra đã khiến thời gian giao hàng chậm trễ, đội chi phí lên cho cả hai bên mua-bán. Cùng với đó, đối tác cũng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU khiến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm mạnh.
Ghi nhận của EC vào tháng 5 vừa qua cho thấy, những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ, bằng chứng EC phải tiếp tục gia hạn 6 tháng với “thẻ vàng”. Đặc biệt, nhiều thách thức được đặt ra khi ngành thủy sản nước ta còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Theo đó, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định- đơn vị từng có 60% hàng hóa xuất khẩu đi EU chia sẻ, doanh nghiệp dù thực hiện nghiêm túc mọi quy định nhưng với điều kiện các cảng cá thiếu thốn nhân lực, vật lực như hiện nay, thì dù có cố gắng đến mấy, cũng lực bất tòng tâm. “Có khi phải mất từ 1-2 tháng doanh nghiệp mới có được xác nhận nguồn gốc nguyên liệu của cảng cá”, bà Lan than thở.
Giai đoạn nước rút
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ đang phối hợp với các cơ quan, xây dựng thông tư mới, có hệ thống truy xuất nguồn gốc thông suốt, thay thế Thông tư số 02/2018/BNNPTNT vừa được ban hành.
"Thông tư mới dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, theo hướng tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp, bởi chúng ta đã bước vào giai đoạn nước rút. Đây cũng là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định bền vững", ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Song song với hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế chỉ đạo điều hành đang được thiết lập kịp thời từ TW đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Bài học kinh nghiệm của 10 nước đã được EC gỡ "Thẻ Vàng" và 03 nước đã được EC gỡ "Thẻ Đỏ" cho thấy, các nước này đã đầu tư nguồn lực rất lớn và thậm chí cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản theo khuyến nghị của EC.