Mặc dù theo pháp luật hiện hành, tài sản trí tuệ được xếp vào “quyền tài sản”, được dùng để thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng việc thế chấp tài sản trí tuệ vẫn có rào cản.
Theo nhiều chuyên gia, để giúp doanh nghiệp thế chấp tài sản trí tuệ vay vốn ngân hàng, thì cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý.
Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một loại của tài sản vô hình, không xác định được bởi đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn vì có khả năng sinh ra lợi nhuận.
Pháp luật hiện hành cho phép sử dụng quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Điều 317 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Điều 17 Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ: “Chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm cũng được ghi nhận tại Điều 11 của Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
Chiếu theo các quy định này thì các doanh nghiệp hoàn toàn được phép dùng tài sản trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm cả việc thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, các quy định còn đang dừng lại ở việc hướng dẫn chung cho việc thế chấp tài sản. Còn pháp luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ lại chưa có các hướng dẫn chi tiết về việc thế chấp tài sản trí tuệ.
Trên thực tế, theo bà Hoàng Thị Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hà Nội, việc nhận bảo đảm đối với tài sản trí tuệ hiện cũng rất hạn chế do tính vô hình và sự phức tạp trong thẩm định, định giá hoặc giảm sút mạnh về giá trị do sự phát triển không ngừng về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, theo lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại, mặc dù hiện việc thế chấp tài sản trí tuệ đã diễn ra, song các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gặp nhiều rào cản trong triển khai, trong đó có 3 rào cản chính.
Thứ nhất, khung pháp lý về việc thế chấp các tài sản trí tuệ vẫn chưa được hoàn thiện. Theo đó, hiện nay các quy định về thế chấp tài sản trí tuệ chưa được quy định rõ ràng. Đặc biệt, hiện cũng thiếu vắng các quy định pháp luật để xử lý những tranh chấp xảy ra trong quá trình thế chấp tài sản trí tuệ.
Thứ hai, công tác định giá các tài sản trí tuệ thường gặp nhiều thách thức, trong khi giá trị của tài sản trí tuệ thường không ổn định.
Thứ ba, việc xử lý các tài sản trí tuệ được thế chấp tại ngân hàng rất khó khăn và kéo dài, bởi vì bản chất của tài sản trí tuệ là vô hình, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, giá trị của các tài sản trí tuệ thường không ổn định, mà sẽ thay đổi theo thời gian.
Từ những rào cản trên, chỉ khi hành lang pháp lý về thế chấp tài sản trí tuệ được hoàn thiện, và Việt Nam xây dựng được thị trường giao dịch tài sản trí tuệ, thì lúc đó các TCTD mới có thể mạnh dạn hơn trong việc nhận thế chấp loại tài sản trí tuệ để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt để khắc phục được những rủi ro trong quá trình thế chấp tài sản trí tuệ, thì pháp luật cũng cần quy định rõ những vấn đề như: các tài sản trí tuệ được phép thế chấp và tài sản trí tuệ có thể thế chấp kèm theo điều kiện; đăng ký thế chấp tài sản trí tuệ và bảo mật thông tin trong quá trình thế chấp tài sản trí tuệ; các biện pháp để bảo vệ bên nhận thế chấp; xử lý tài sản trí tuệ được thế chấp sau khi bên thế chấp không thực hiện được nghĩa vụ của mình...