Theo các chuyên gia, các chiêu trò “né” thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi, vòng vèo, phức tạp. Điều này đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan quản lý thuế…
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 6 – Quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo
Doanh thu “khủng”
Kinh doanh online bắt đầu bùng nổ những năm gần đây và ngày càng nở rộ đến mức nhiều nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… cũng tham gia livestream bán hàng trên mạng xã hội bởi doanh thu “khủng”. Thế nhưng vấn đề nộp thuế như thế nào, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất xứ, bảo quản ra sao... vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Có thể nói, thời đại công nghệ bùng nổ, nhà nhà, người người livestream bán hàng online. Những danh xưng "chiến thần livestream", "nữ hoàng chốt đơn"… cũng từ đó ra đời. Có những phiên livestream thu được doanh thu hàng tỉ đồng, nên việc các cửa hàng, nhãn hàng thuê các nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… để livestream cũng đang là một xu hướng.
Dường như đây là lý do khiến những cá nhân nổi tiếng cũng tập trung tham gia và đẩy mạnh hoạt động này do thu nhập cao hơn nhiều so với cát sê tham dự sự kiện thông thường. Điển hình như trường hợp người mẫu D.L.A cũng thường xuyên livestream bán hàng. Chia sẻ trên báo CAND, người đẹp tiết lộ doanh thu bán hàng online khủng nhất từng đạt được là 4 tỉ đồng trong một buổi livestream, lợi nhuận thu được gấp 10 - 20 lần cát sê dự sự kiện.
Tương tự, nam diễn viên hài L.D.B.L cũng phụ bà xã bán hàng online. Nhờ khả năng hoạt ngôn, anh được các nhãn hàng quan tâm và mời livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. L.D.B.L tiết lộ chính công việc livestream bán hàng đã giúp cuộc sống gia đình anh "phất lên". Nam diễn viên bày tỏ niềm tự hào khi có thể dùng thu nhập này xây nhà, tậu xe, chăm lo cho gia đình riêng cũng như bố mẹ đôi bên, thậm chí nuôi các em học đại học.
Còn diễn viên H.H cũng lấn sân livestream bán đồ ăn vặt. Đây là nguồn thu nhập chính của anh và gia đình. Nam diễn viên từng chia sẻ cátsê kiếm được từ vai chính một bộ phim 30 tập suốt 2 tháng chỉ tương đương doanh thu 1 - 2 ngày livestream bán hàng…
Hay như mới đây, những kho hàng nhái, hàng lậu bị triệt phá trên mạng xã hội khi đang livestream bán hàng đều là của những hotgirl số lượng khách chốt đơn khủng. Đơn cử như kho hàng của hotgirl Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, chỉ một trong phiên livestream, tài khoản Mailystyle.com của hotgirl này đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.
Trên nền tảng Facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng. Chưa kể, hotgirl này còn có trang cá nhân cũng thường xuyên livestream, với hàng nghìn đơn được chốt.
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
Tung chiêu “né” thuế
Thời gian gần đây, dù cơ quan thuế các tỉnh, thành đã và đang đẩy mạnh truy vết người bán hàng online qua sàn thương mại điện tử và qua ngân hàng để thu thuế nhưng nhiều ý kiến cho biết, những người bán hàng online vẫn có “nghìn lẻ một” cách để “né” thuế.
Một trang Facebook chuyên livestream bán các sản phẩm từ quần áo, túi xách tới đồ gia dụng, thu hút hàng nghìn người bình luận và đặt mua hàng. Thậm chí có buổi livestream bán hàng của trang này thu hút cả chục ngàn lượt xem với rất nhiều đơn đặt hàng khủng. Thế nhưng ngay sau thời điểm livestream, người bán nhanh chóng xóa hoặc tạm ẩn phần livestream trực tiếp khỏi trang Facebook của mình, đồng thời đăng những nội dung không liên quan tới bán hàng.
Trong vai người tiêu dùng, sau khi bình luận đặt hàng, phóng viên được chủ tài khoản hướng dẫn chọn hai hình thức thanh toán: Trả tiền mặt cho bên giao hàng hoặc chuyển khoản. Tuy nhiên, số tài khoản nhận tiền lại là của một người khác (được giới thiệu là nhân viên) mà không phải là người đứng ra bán hàng. Khi thanh toán, phóng viên còn được yêu cầu ghi tên Facebook kèm số điện thoại và nội dung chuyển tiền hàng.
Đáng chú ý, khi mua hàng của một tài khoản chuyên bán quần áo thời trang khác thì nhân viên ở đây hướng dẫn phóng viên chuyển khoản với nội dung “cho anh” hoặc “bieu anh” (tức biếu anh - PV).
Bình luận về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, đây là những hình thức trốn thuế của người bán hàng online khi có quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế. Cụ thể, những người kinh doanh online “né” thuế bằng cách thu tiền mặt, không ghi nội dung giao dịch hoặc ghi “cho, biếu, tặng…” thì ngành thuế khó kiểm tra, khó truy thu.
“Theo quy định hiện hành, người được cho, tặng tiền không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ những tài sản như chứng khoán hoặc vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản. Do đó, người kinh doanh online đã nghĩ ra cách biếu, cho, tặng… để né thuế. Vì vậy, cơ quan thuế cần nghiên cứu giải pháp để kiểm soát”, luật sư Biên nói.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đức Biên cũng đề nghị tập trung theo dõi các “cá mập” kinh doanh có doanh thu “khủng” trên mạng. Ngoài ra, cơ quan thuế nên xử lý một vài trường hợp kinh doanh trên mạng có doanh thu cao mà không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế để răn đe những chủ tài khoản khác.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cũng cho rằng, đóng thuế vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của công dân. Theo ông Thịnh, mỗi cá nhân kinh doanh trên mạng cũng như kinh doanh trong nền kinh tế nên hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để tự kê khai, nộp thuế cho Nhà nước. Trước sau gì, cơ quan quản lý thuế cũng có cách thức khác nhau để phát hiện ra các chiêu trò trốn thuế và có biện pháp xử lý thích hợp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, lệnh chuyển tiền là chứng cứ mua hàng, nếu hàng hóa không đầy đủ về số lượng và chất lượng hoặc đã chuyển tiền mà không nhận được hàng thì người mua có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Ngược lại, nếu lách luật ghi “cho, tặng” thì khi gặp chuyện, sẽ không đòi được ai cả.
Điều đáng quan ngại theo theo ông Thịnh là việc người kinh doanh online “né” thuế tạo ra sự không công bằng, bởi những người kinh doanh truyền thống luôn đóng thuế đầy đủ. Do đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để kinh doanh online và truyền thống bình đẳng, cần tuyên truyền, giáo dục để mọi chủ thể kinh doanh thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi đóng thuế cho Nhà nước.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Thịnh cho biết, ở các nước phát triển, chỉ cần tài khoản tăng 1.000 USD thì ngân hàng sẽ thay mặt cơ quan thuế hỏi 1.000 USD này ở đâu ra, anh có nộp thuế không, nộp thuế loại gì, như thế nào và sẽ giúp khách hàng kê khai thuế, nộp thuế. Do vậy, vị chuyên gia cho rằng, để người kinh doanh online không “né” được thuế, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngân hàng, cơ quan thuế, quản lý thị trường…
“Tôi có thể cam đoan là ai kinh doanh gì, cơ quan quản lý địa phương đều biết và nắm rõ cả. Nếu làm tốt, họ sẽ giúp cơ quan thuế thu được thuế, đảm bảo tính công bằng. Đồng thời, nên tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt thật nặng những người không đăng ký kinh doanh, không kê khai, nộp thuế để họ không còn ý định trốn thuế, né thuế”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
03:00, 13/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng
03:20, 14/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”
03:10, 17/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”
03:00, 19/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ
03:30, 21/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 6 – Quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo
03:00, 24/04/2024