Như trời hạn mong gặp mưa, những khách hàng khó khăn vì dịch COVID-19 đã có thể chính thức được xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ từ ngày làm việc cuối của tuần này.
Bớt áp lực trả lãi, gốc
Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, các đối tượng có nợ vay được các ngân hàng xem xét hỗ trợ, có sự “khoanh vùng”, đáp ứng các điều kiện phải thỏa mãn cơ bản. Với cơ cấu lại nợ thì phải đảm bảo: Một là các khoản vay và cho thuê tài chính; Hai là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; Ba là không trả được nợ đúng nợ theo hợp đồng do thu nhập ảnh hưởng bởi dịch.
Các đối tượng có nợ vay được ngân hàng xem xét hỗ trợ không chỉ phải thỏa mãn các điều kiện nói trên, mà còn phải xét theo các trường hợp có quy định cụ thể trên thời gian quá hạn trả nợ.
Một điểm rất đáng lưu ý trong Điều 4, Thông tư: “Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký)”.
Có nghĩa 12 tháng là điểm tối đa cho khoảng thời gian doanh nghiệp được “kéo” lùi nợ vay, bao gồm cả cột mốc ngày liền kề sau 3 tháng tính từ ngày 23/1/2020. Ví dụ Doanh nghiệp A có hồ sơ chứng minh mình không trả được nợ do thiệt hại COVID-19, có khoản nợ vay phải trả lãi lẫn gốc vào 24/04/2020, sẽ được ngân hàng B xem xét và có thể kéo dài thời gian trả nợ tới 12 tháng kế tiếp, vào 24/04/2021. Đây là một biên độ giãn khá lớn, có lợi cho doanh nghiệp nếu đàm phán được với ngân hàng. Từ đó, bớt phần lớn áp lực trả lãi, gốc ngay trong mùa dịch khi nguồn thu bị thu hẹp hoặc đứt đoạn. Đến cả những tháng tới, nếu may mắn dịch sớm chấm dứt thì doanh nghiệp cơ bản cũng có khoảng rộng tài chính lẫn thời gian để tận dụng hồi phục, khỏe lại, mới đi tới trả nợ.
Giám sát với tần suất 10 ngày
Đáng lưu ý các ngân hàng (gọi chung cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài – đối tượng hướng dẫn của Thông tư) sẽ giữ quyền chủ động xem xét các khoản nợ để thực hiện cơ cấu nợ.
Thông tư 01 còn quy định các nội dung cơ bản để hỗ trợ về miễn, giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, các ngân hàng vừa là chủ thể thực hiện Thông tư trên khung pháp lý đã tạo sẵn, vừa là chủ thể chủ động, linh hoạt nắm quyền xem xét cho những trường hợp được áp dụng cả cơ cấu nợ, miễn giảm lãi hay thực hiện khoanh nợ. Hay nói cách khác là nắm quyền “nuôi nợ” trong khung quy định.
Qua sự chủ động trong "khung", ngân hàng vừa đảm bảo tiếp sức cho các thành phần kinh tế, vừa đảm bảo lợi ích của chính mình là không mất khách hàng, nợ không bị trở thành nợ xấu, “nuôi” khách hàng sống được thì ngân hàng cũng thu hồi được lãi, nợ.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn gánh trách nhiệm không để “lọt” các khoản nợ không thỏa mãn các tiêu chí, quy định mà được hỗ trợ, không để xảy ra “việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng”.
Có thể bạn quan tâm
13:59, 13/03/2020
19:09, 12/03/2020
14:16, 04/03/2020
Để đảm bảo được điều này, NHNN quy định rõ các ngân hàng phải có quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống; có tiêu chí xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện Thông tư; có tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.
Đặc biệt, trong thời hạn 10 (mười) ngày đầu tiên của mỗi tháng, tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến ngày cuối cùng của tháng liền trước.
Như vậy, ngân hàng chịu trách nhiệm không nhỏ, cả hệ thống của tổ chức sẽ phải vào cuộc vận động khi triển khai Thông tư. Cơ quan quản lý thông qua số liệu báo cáo 10 ngày đầu tháng, cũng sẽ nắm sát diễn biến thực hiện Thông tư, nắm sát số dư nợ trong “vùng” được cơ cấu lại, khoanh nợ hay miễn giảm lãi…, để có các điều tiết chính sách phù hợp, nếu cần.
Cần chạy gấp từ mạch sống
Cho đến hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã những chương trình rà soát và hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai rầm rộ, nhưng chưa có sự đánh giá bước đầu nào về kết quả thực thi cụ thể trong thực tế. Cột mốc “10 ngày” theo đó, hy vọng sẽ khiến các chương trình sớm tiếp sức lớn hơn, đua với thời gian và dịch để giải trừ bớt nỗi lo cho khách hàng, người dân đang bị ảnh hưởng, trong nỗ lực chung tay cùng nhau khắc phục thiệt hại, xoay xở qua mùa dịch.
Càng hy vọng các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, sẽ sớm nhận được quy định nội bộ thống nhất, chi tiết, để Thông tư 01 được “chạy” từ mạch sống tín dụng vào nền kinh tế, ngay trong đầu tuần tới. Triển khai chậm ngày nào, khó khăn của các đối tượng đang rất… khó khăn, như tốc độ dịch lan, càng lớn.
Trên trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Pan kiêm Chủ tịch SS có một gợi ý rất đáng được lưu tâm, rằng : "Những hộ kinh doanh cá thể, người lao đông và nông dân là những đối tượng gặp khó nhất trong tình hình hiện nay. Diễn biến dich bệnh nếu kéo dài thêm 3 tháng nữa sẽ vô cùng bi đát bởi tài chính dự phòng của họ rất hạn hẹp".
Hộ kinh doanh cá thể, người dân là một phần thực thể khách hàng lớn của cả hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang phát triển mô hình đa năng bán lẻ. Tất nhiên, bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng càng không thể thiếu quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – khối chiếm 97% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam và thuộc nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương, kém sức cầm cự.