Cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách với tín dụng và các ưu đãi lãi suất; khoanh, giãn nợ của ngân hàng...
Từ nhu cầu gỡ vướng cho doanh nghiệp...
Ngành ngân hàng đã triển khai hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp chịu tác động từ dịch COVID-19 từ đầu tháng 2, và chính thức có Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn vào 13/3/2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn "kêu trời" vì với tới các gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng.
Bà Triệu Thị Hương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ifashion trao đổi tại một diễn đàn trực tuyến mới đây rằng, cho đến bây giờ công ty bà chật vật tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. "Chỉ Agribank đã giãn nợ cho chúng tôi trong tháng 2, tháng 3, còn các ngân hàng khác vẫn đốc thúc Công ty trả nợ đúng hạn. Dù Ifashion đã đưa đơn xin giãn nợ, song lại được trả lời chưa nhận được chỉ đạo. Nếu Công ty không trả đúng hạn thì sẽ đưa vào nợ xấu", bà Hương chia sẻ.
Bà Hương cũng nêu quan điểm nếu các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, như gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, không hướng dẫn phân loại cụ thể đối tượng khách hàng; nhóm nào, doanh nghiệp nào được hỗ trợ giảm lãi vay và giảm bao nhiêu phần trăm…, thì doanh nghiệp vẫn rất khó thụ hưởng hỗ trợ thực sự.
Tâm tư của bà Hương không chỉ là nỗi lo của doanh nghiệp dệt may, đang vô cùng khó khăn vì dịch bệnh, mà còn là tâm tư của nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối kinh doanh phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức siêu vi mô) khác.
Theo một thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khu vực kinh doanh phi chính thức có đóng góp 25% GDP của nền kinh tế Việt Nam. PGS. TS Phạm Thế Anh, kinh tế gia của VEPR cho biết khu vực này ở cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008-2009 là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng đến khi xảy ra dịch COVID-19, đã mất luôn sức mạnh trụ đỡ, cùng với mọi khu vực/ thành phần khác chịu tổn thương.
Đây cũng là khu vực kinh tế vốn mỏng, dòng tiền lưu động cần được bổ sung liên tục nhưng lại ít khi có tài sản thế chấp đảm bảo, rất khó được ngân hàng ưu tiên vốn vay với các hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi, giãn nợ…như quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Để các doanh nghiệp có thể phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình đề nghị ngân hàng quan tâm khoanh nợ, giảm lãi, thì NHNN đã chỉ đạo thiết lập một hotline chung – kênh tiếp nhận phổ biến để kết nối các đầu liên lạc, phản hồi, phản ánh từ doanh nghiệp, người dân tại tất cả các đại diện Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố. Đi cùng với đó là quy định rõ về việc “chịu trách nhiệm” của các đại diện này trước NHNN khi tiếp nhận phản ánh và xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
... đến cải cách hành chính
Thực tế, kênh thông tin đường dây nóng một khi được thiết lập, sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp phản ánh, khiếu nại các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời nhất, mà không cần phải gửi văn bản kiến nghị. Đây là bước cải cách hành chính rất tích cực, góp phần kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ngay sau khi NHNN ban hành văn bản yêu cầu thiết lập đường dây nóng, NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết Chi nhánh đã có hotline 028.38.211.230. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết hotline hoạt động 24/7 (những cuộc gọi ngoài giờ đều được ghi âm xử lý) và cơ quan này sẽ theo dõi, ghi chép sổ nhật ký để tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý theo từng trường hợp cụ thể.
"Đến nay, Chi nhánh NHNN TP.HCM đã xử lý kiến nghị của khoảng 61 doanh nghiệp gồm giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay mới", ông Minh chia sẻ và cho biết thêm, đường dây nóng của Chi nhánh NHNN TP. HCM đã vận hành từ nhiều năm nay, hiện nay theo chỉ đạo của NHNN sẽ tập trung nội dung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, kiến nghị về khó khăn vay vốn, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel khẳng định với DĐDN chưa nhận được sự hỗ trợ như mong đợi từ phía ngân hàng do doanh nghiệp lữ hành thường chỉ có trụ sở thuê hoặc sở hữu nhưng giá trị khiêm tốn. Do đó thiếu tài sản đảm bảo thế chấp khoản vay, khó có thể được vay ưu đãi. Theo đó, khoảng cách của vốn vay lãi suất hỗ trợ đang khá xa, có độ “giãn cách” nhất định đối với nguyện vọng của đơn vị có nhu cầu được tiếp sức, cầm cự và ổn định kinh doanh. Các kiến nghị tương tự của doanh nghiệp lữ hành cũng đã qua Sở Du lịch TP.HCM phản ánh lên NHNN Chi nhánh TP. HCM và đang được Chi nhánh phối hợp cùng các tổ chức tín dụng triển khai xử lý.
Hotline thôi, đã đủ?
Song không phải cứ gắn hotline thì các tổ chức đã tăng rút ngắn thủ tục hành chính. Một chuyên gia nói rằng riêng trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải hợp tác cùng đối tác là tổ chức tín dụng để có hồ sơ thẩm định đảm bảo đạt các tiêu chí tiếp vốn đúng đối tượng, hỗ trợ đúng mục tiêu. Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh quan tâm đến xây dựng tín nhiệm, đến hợp tác cung cấp thông tin, phương án kinh doanh nghiêm túc, dòng tiền minh bạch với ngân hàng, không 2 sổ sách, không lên phương án kinh doanh "đối phó"..., thì tin rằng việc vay tín chấp, gõ cửa ngân hàng cũng không hoàn toàn khó khăn. Bởi ngân hàng cũng đang cần khách hàng nền tảng.
Tương tự, vị chuyên gia này chỉ ra các trường hợp hạn chế của…hotline, và cho rằng không nên xem đó như sáng kiến dịch vụ công đồng hành cùng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, bởi một số cơ quan, cấp quản lý TW địa phương vẫn có hotline từ nhiều năm trước, song kiến nghị vẫn chồng chất không thể xử lý một sớm một chiều do chồng chéo quy định, cấp tiếp nhận không “đơn phương” xử lý được.
Trường hợp hàng loạt doanh nghiệp bất động sản TP HCM gặp khó khăn trong rà soát, gỡ vướng đất dự án có nguồn gốc đất công được tư nhân hóa qua đấu giá, cổ phần hóa, hay đang “chôn vốn” trong các dự án đình trệ vì đất công da beo, xen kẹt…mà doanh nghiệp kiến nghị bằng văn bản, đơn kêu cứu lẫn hotline của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không… ăn thua, là một ví dụ.
Có thể bạn quan tâm
06:10, 18/04/2020
05:15, 11/04/2020
05:10, 04/04/2020
05:15, 28/03/2020
11:01, 21/03/2020
05:30, 14/03/2020
05:15, 07/03/2020
Hay gần đây có doanh nghiệp gạo gửi hẳn đơn kêu cứu lần thứ tư lên Thủ tướng Chính phủ, vì không cấp hạn ngạch, thông quan xuất khẩu gạo, hoặc có thì thiếu minh bạch, khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng. Trong khi đó hotline của Tổng cục Hải quan được thiết lập từ nhiều năm trước, vẫn có nhiều nhánh tiếp nhận, xử lý đa dạng các loại tin khác nhau báo về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nhưng cũng không giải quyết được hết vấn đề.
Tuy vậy, những nỗ lực của NHNN để vốn tín dụng và các hỗ trợ ngân hàng đến được nền kinh tế, cũng đang cho thấy quyết tâm đồng hành của ngành huyết mạch này. Đây một mặt là sự cương quyết, thậm chí có thể ví như sự can thiệp mệnh lệnh hành chính ở những thời điểm quan trọng cần bàn tay Nhà nước, mặt khác cũng là sự thiết lập một thói quen để các tương tác phản ánh đa chiều. Theo đó, tiến trình cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh không chỉ đến từ một phía.