Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: 7 ngày để tiếp cận có khả thi?

DIỄM NGỌC 12/07/2021 15:15

“Việc giải ngân nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào sự hợp tác của doanh nghiệp và người lao động, điều quan trọng nhất vẫn là tính minh bạch và mức độ trung thực của người được nhận hỗ trợ”...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với trị giá 26.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã gấp rút vào cuộc triển khai để sớm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Tại Diễn đàn hợp tác báo chí và doanh nghiệp do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã kiến nghị, tại gói hỗ trợ trước, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội không tiếp cận được do vướng mắc nhiều thủ tục, điều kiện. Thời gian nhanh nhất để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ là 45 ngày, có khi lên tới 2 tháng khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Vì vậy, trong gói hỗ trợ lần thứ hai, người lao động cũng như người sử dụng lao động đều mong có một sự đột phá để hiện thực hoá việc hỗ trợ trở nên thiết thực.

Trong gói hỗ trợ mới này, Quyết định của Thủ tướng quy định rất chi tiết các đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, hồ sơ và trình tự thủ tục. Hầu hết các nhóm chính sách đều được ấn định chậm nhất từ 7-10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tinh thần đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục, phương châm thông thoáng nhất để người lao động, chủ sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất mà vẫn phải đúng luật. Người dân ngóng từng ngày, nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân, nếu có làm sai thì có tội với dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, gói 62.000 tỉ trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng nay với quyết định này sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính sách công và quản lý Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, dù đơn giản thủ tục thế nào, thì Nhà nước vẫn cần điều kiện để chứng minh được khả năng trả nợ, khả năng thiệt hại của doanh nghiệp. Nghĩa là các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, sổ sách, mà đây chính là thách thức, cản trở lớn trong việc giải ngân gói hỗ trợ lần thứ nhất. Trong bối cảnh doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hệ thống thông tin, sổ sách, báo cáo còn thiếu sự minh bạch rõ ràng, ví dụ như có nhiều doanh nghiệp đã tìm cách né bảo hiểm, né thuế, gây ra khó khăn cho việc giải ngân gói hỗ trợ. Cho nên, dù Chính phủ muốn hỗ trợ doanh nghiệp đến đâu, thì tiêu chí tối thiểu và cần thiết là doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về bảo đảm quyền lợi người lao động đầy đủ, cũng như người lao động phải hợp tác trong việc này.

Như vậy, theo đánh giá của TS. Huỳnh Thế Du, việc giải ngân nhanh hay chậm cũng còn phụ thuộc vào sự hợp tác của doanh nghiệp và người lao động. Trong các tiêu chí, điều kiện ban hành, điều quan trọng nhất vẫn là tính minh bạch và mức độ trung thực của người được nhận hỗ trợ.

Ở một quan điểm khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, những doanh nghiệp vay tiền ngân hàng thuộc nhóm nợ xấu như nhóm 3,4,5 thì gần như không được vay gói này và như vậy sẽ bất công cho người lao động. Vì người lao động không phải chịu trách nhiệm về việc một công ty có nợ xấu hay không, vì vậy người lao động phải được hưởng trợ giúp từ Chính phủ  sớm nhất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng

Theo tôi, tại những doanh nghiệp có nợ xấu, trong đó thuộc nhóm 4,5 là vô cùng khó khăn, cần phải xem xét vì có khả năng mất nợ từ 50-100%. Nhưng những doanh nghiệp thuộc nhóm 3 thì nên cho phép họ có thể vay tiền, từ đó sẽ gián tiếp hỗ trợ cho người lao động khả thi hơn.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính như cần phải có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, hay các loại giấy tờ rườm rà khác, nếu có thể giảm thiểu thì nên cắt giảm, để đảm bảo tiến độ triển khai được nhanh chóng. Rất nhiều nước trên thế giới đã có các gói hỗ trợ đến tất cả mọi người, bao gồm cả người lao động và người không lao động, thậm chí không đòi hỏi điều kiện thủ tục gì. Các nước đều làm như vậy, thì Việt Nam cũng nên thông thoáng hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.

Trao đổi với báo chí, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đưa ra ý kiến rằng, theo quy định của Nghị quyết 68, cho đến nay các đối tượng đã được xác định và cơ bản làm sao xác định đúng các đối tượng trong Nghị quyết này. “Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động có hợp đồng lao động bị mất việc hay bị gián đoạn công việc thì tôi nghĩ rất dễ xác định bởi đó là nhóm mà có đăng ký như doanh nghiệp có đăng kí kinh doanh, có khả năng chứng minh được thiệt hại của họ”.

Chính vì vậy, quan trọng nhất là đối tượng người lao động tự do thì rõ ràng cần cải tiến quá trình xét điều kiện cũng như quá trình xác định nhóm đối tượng này. Bởi vì bài học kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần thứ nhất, rất nhiều người lao động tự do, lao động phi chính thức đủ điều kiện để được hưởng lợi từ gói hỗ trợ, tuy nhiên do thủ tục, giấy tờ chứng minh điều kiện của mình, đối tượng đáng được hưởng lợi lại không được hưởng.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng đề nghị TP.HCM quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ

    Thủ tướng đề nghị TP.HCM quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ

    21:57, 11/07/2021

  • Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Thời gian giải quyết hồ sơ còn 5 -10 ngày

    Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Thời gian giải quyết hồ sơ còn 5 -10 ngày

    03:08, 08/07/2021

  • Nguồn lực cho gói hỗ trợ mới

    Nguồn lực cho gói hỗ trợ mới

    13:04, 02/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: 7 ngày để tiếp cận có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO