Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh

Huyền Trang 12/12/2018 15:01

Theo kết quả điều tra của Bộ Công Thương, vụ việc Grab mua lại Uber có nhiều dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương điều tra chính thức vụ Grab mua Uber Việt Nam

    07:00, 19/05/2018

  • Rắc rối pháp lý thương vụ Grab mua Uber: Chưa thể xác định thị phần của Grab

    17:18, 13/04/2018

  • Rắc rối pháp lý thương vụ Grab mua Uber: Có vi phạm Luật Cạnh tranh?

    13:15, 13/04/2018

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho hay, ngày 18/11 vừa qua đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Đến ngày 30/11, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.

Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý. Ảnh minh họa

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý. Ảnh minh họa

Hiện Cục CT&BVNTD đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

“Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh”, đại diện Cục CT&BVNTD cho hay.

Cũng theo thông tin từ Cục CT&BVNTD, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định như: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trước đó, ngày 25/3/2018, Uber Technologies phát đi thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Từ 8/4, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber sẽ chuyển qua ứng dụng của Grab.

Bình luận về thương vụ Grab mua Uber, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, sự xuất hiện của Uber, Grab thời gian qua là tiền đề cho các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam. Ông hy vọng sự thâu tóm lần này về tay một ông lớn sẽ không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. "Nếu không, đó lại là một tín hiệu xấu, từ doanh nghiệp", ông Tuấn nói.

Trước đó, trả lời báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Luật BASICO cho rằng, không có cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ông Đức phân tích: “Thứ nhất, việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ.

Thứ hai, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có).

Thứ ba, kể cả trường hợp đã xác định rõ, 2 hãng này là kinh doanh taxi và xác định được thị phần liên quan thì cũng còn phải xác định tiếp là tính quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% doanh thu, là phần mà họ được hưởng và phải nộp thuế (80% còn lại là thuộc về các hãng taxi và tổ chức, cá nhân khác có đăng ký kinh doanh vận tải).

Thứ tư, tính thị phần riêng loại taxi công nghệ hay tính toàn bộ thị trường taxi. Theo tôi, phải tính toàn bộ, vì hoàn toàn cạnh tranh và thay thế nhau, trong đó có thể coi taxi công nghệ chỉ như là một phân khúc thị trường hay một dòng sản phẩm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO