Tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng tích cực phù hợp xu hướng tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong tháng 3/2024 và quý I/2024.
>>>Bất cập “siết” hồ sơ tín dụng
Quý I/2024, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng ấn tượng, GRDP tăng 6,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 chỉ tăng 0,7%). Kết quả này phản ánh sự tăng trưởng và phát triển tích cực của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố và là yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng và nền kinh tế.
Kinh tế tăng trưởng, các ngành lĩnh vực sản xuất kinh doanh phát triển, kích thích nhu cầu vốn và tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tín dụng trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tháng 1/2024 tín dụng giảm 0,93%, tháng 02/2024 mặc dù tăng trưởng chậm, song tín dụng đã tăng trở lại, tăng 0,01% và dự ước tháng 03/2024 tín dụng trên địa bàn tăng 0,5% so với tháng trước.
Tuy nhiên nếu đặt trong mối liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng tín dụng so với GRDP của Thành phố và xu hướng tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, tín dụng thực tế trên địa bàn trong tháng 3/2024 sẽ tăng trưởng cao hơn mức dự báo này và phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong tháng 3/2024 và quý I/2024.
Tín dụng lĩnh vực sản xuất kinh doanh duy trì tốc độ tăng trưởng gắn liền với tăng trưởng của các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 60%) và tăng trưởng tốt trong quý I/2024. Diễn biến này phù hợp với xu hướng tăng trưởng của các ngành dịch vụ, du lịch và lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn Thành phố trong quý I/2024. Trong đó, riêng cho vay doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN trên địa bàn đạt: 217.596 tỷ đồng cho 3.636 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cuối năm 2023, là mức tăng trưởng tốt nhất so với các chương trình tín dụng khác.
Ngoài yếu tố thuận lợi về môi trường và tăng trưởng kinh tế xã hội của Thành phố, yếu tố chính sách tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là điều kiện thuận lợi để tăng trưởng tín dụng, tiếp cận theo phía cầu. Trong đó, lãi suất thấp sẽ kích thích nhu cầu vay vốn, kích thích doanh nghiệp và người dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thì nhu cầu này sẽ phục hồi và được hiện thực hóa.
>>>Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ tín dụng ngân hàng
Đây là những yếu tố động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực từ các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản (khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện; giao dịch mua bán tăng và những khó khăn vướng mắc được nhận diện và xử lý…) cũng sẽ tác động tích cực đến hoạt động tín dụng ngân hàng, tác động tích cực đến dòng vốn và chu chuyển vốn trong nền kinh tế, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng, và một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ xuất hiện, khi nền kinh tế phát huy và duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm xu hướng tăng trưởng ổn định và bền vững.
Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2024 cho UBND TP HCM tổ chức ngày 2/4, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi đánh giá, sau quý đầu tiên của năm, Thành phố đã đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cùng với đó là những khó khăn, thách thức phải đối mặt và giải quyết.
Theo ông Mãi, nhìn chung, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I của chúng ta tương đối khá. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng, phấn khởi nhưng phải thấy tác động khó khăn từ bên ngoài, còn bên trong thì còn nhiều tồn tại đến giờ chưa giải quyết dứt điểm và phát sinh những tồn tại mới. Trong đó, có những điểm mà Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng còn tồn tại như tăng trưởng tín dụng quý I/2024 chưa thực sự cao, dư địa lãi suất tác động đến phục hồi, tăng trưởng còn thấp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với cùng kỳ, thị trường bất động sản phục hồi chưa tốt.
Trong quý I, thu hút đầu tư nước ngoài giảm về quy mô vốn so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng hơn 20%. Địa phương cũng chưa khắc phục được điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, đề án lớn, dự án mới còn chậm.
"Qua các dấu hiệu trên, nền kinh tế Việt Nam và Thành phố chưa phục hồi mạnh mẽ. Do đó, địa phương cần nỗ lực cao trong quý II và thời gian còn lại của năm 2024 mới đạt được mục tiêu của cả năm", Chủ tịch UBND TP. HCM nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm